Quy trình kiểm tra, giám định với phế liệu nhựa nhập khẩu theo QCVN 32:2018/BTNMT

15/03/2024 12:30 PM

Cho tôi hỏi quy trình kiểm tra, giám định với phế liệu nhựa nhập khẩu được quy định như thế nào? - Tiến Thành (Hậu Giang)

Quy trình kiểm tra, giám định với phế liệu nhựa nhập khẩu theo QCVN 32:2018/BTNMT

Quy trình kiểm tra, giám định với phế liệu nhựa nhập khẩu theo QCVN 32:2018/BTNMT (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Quy trình kiểm tra, giám định với phế liệu nhựa nhập khẩu theo QCVN 32:2018/BTNMT

Theo QCVN 32:2018/BTNMT thì việc kiểm tra, giám định đối với lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu được thực hiện thông qua kiểm tra bằng mắt thường hoặc kiểm tra, lấy mẫu phân tích. Cơ quan kiểm tra và tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật khi thực hiện hoạt động kiểm tra, giám định phế liệu nhựa nhập khẩu phải tuân thủ quy trình kiểm tra, giám định tại Mục 3.1.1 và Mục 3.1.2 QCVN 32:2018/BTNMT.

* Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường:

- Hoạt động kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện bằng mắt thường đối với tất cả các công ten nơ hoặc khối hàng rời thuộc lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu; ước tính tỷ lệ tạp chất và kết hợp với thiết bị đo nhanh một số thông số đối với lô hàng phế liệu nhựa.

- Quy trình kiểm tra, giám định tại hiện trường được thực hiện như sau:

+ Kiểm tra tổng quát lô hàng: chủng loại, khối lượng phế liệu, chất lượng phế liệu nhập khẩu;

+ Chụp ảnh các vị trí kiểm tra;

+ Kiểm tra một số thông số bằng thiết bị đo nhanh tại hiện trường (đối với trường hợp phải thực hiện đo nhanh tại hiện trường);

+ Kiểm tra tỷ lệ tạp chất: xác định loại tạp chất đi kèm, ước lượng tỷ lệ phần trăm (%) khối lượng tạp chất đi kèm.

- Kết quả kiểm tra, giám định tại hiện trường được xử lý theo một trong các trường hợp sau đây:

+ Trường hợp lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu được kiểm tra, đánh giá phù hợp với Mục 2 QCVN 32:2018/BTNMT, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu nhựa cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, làm căn cứ để Cơ quan kiểm tra ra thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu để làm thủ tục thông quan theo quy định;

+ Trường hợp lô hàng phế liệu nhập khẩu không phù hợp với Mục 2 QCVN 32:2018/BTNMT, thì tổ chức giám định được chỉ định cung cấp văn bản kết quả giám định (chứng thư giám định) lô hàng phế liệu nhựa cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và Cơ quan kiểm tra, để tiến hành xử lý theo quy định;

+ Trường hợp chưa xác định được lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu phù hợp với Mục 2 QCVN 32:2018/BTNMT thì thực hiện theo Mục 3.1.2 QCVN 32:2018/BTNMT.

* Quy trình kiểm tra, giám định thông qua lấy mẫu phân tích:

- Việc lấy mẫu để phân tích, đánh giá chất lượng phế liệu nhựa nhập khẩu phù hợp với Mục 2 QCVN 32:2018/BTNMT được thực hiện như sau:

+ Tiến hành lấy mẫu đối với lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu theo phương pháp tại Mục 3.2.1 QCVN 32:2018/BTNMT. Chụp ảnh tất cả các vị trí kiểm tra và các vị trí lấy mẫu;

+ Đối với lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu có dưới 05 công ten nơ, lựa chọn 01 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên và là mẫu đại diện cho lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu;

+ Đối với lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu có từ 05 đến dưới 20 công ten nơ, lựa chọn 02 công ten nơ để lấy mẫu ngẫu nhiên. Mẫu đại diện là mẫu trộn đều của 02 mẫu ngẫu nhiên;

+ Đối với lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu có từ 20 công ten nơ trở lên thì lựa chọn 10 % số công ten nơ để lấy các mẫu ngẫu nhiên (số lượng mẫu ngẫu nhiên được làm tròn số). Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên nhỏ hơn 10 mẫu thì các mẫu này được trộn đều với nhau thành một mẫu đại diện. 

Trường hợp số mẫu ngẫu nhiên lớn hơn 10 mẫu thì cứ mỗi 10 mẫu ngẫu nhiên được trộn đều thành một mẫu đại diện; số mẫu ngẫu nhiên lẻ còn lại (nếu có) được trộn đều thành một mẫu đại diện. Một lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu có thể có một hoặc một số mẫu đại diện.

- Phương pháp lấy mẫu để xác định tỷ lệ các mẩu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm:

Đối với trường hợp phế liệu nhựa phải băm, cắt quy định tại Mục 2.2.4, mẫu đại diện được lấy tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau (với khoảng cách giữa các điểm lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ Z,...) của một công ten nơ ngẫu nhiên hoặc của một khối hàng rời do Cơ quan kiểm tra quyết định và được trộn đều với nhau thành một mẫu đại diện của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu. Khối lượng mẫu đại diện là 10 kg.

- Phương pháp lấy mẫu để xác định tỷ lệ phế liệu nhựa có mã HS khác với mã HS khai báo:

Lựa chọn ngẫu nhiên một khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu khai báo để lấy mẫu đại diện. Mẫu đại diện được lấy tại 5 vị trí bất kỳ ở các điểm khác nhau (với khoảng cách giữa các điểm lấy mẫu tương đối đồng đều bảo đảm tính đại diện, theo một trong các hình: hình chữ nhật, hình vuông, hình chóp tam giác, hình chữ Z,...) của một công ten nơ ngẫu nhiên hoặc của một khối hàng rời do Cơ quan kiểm tra quyết định và được trộn đều với nhau thành một mẫu đại diện của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu. Khối lượng mẫu đại diện là 10 kg.

* Phương pháp xác định tỷ lệ tạp chất:

Tiến hành tách, phân loại các tạp chất bằng các phương pháp cơ, lý để tách riêng tạp chất khỏi nhựa và cân khối lượng của các tạp chất này.

Tỷ lệ tạp chất là tỷ lệ khối lượng các tạp chất so với tổng khối lượng mẫu thử, được tính bằng đơn vị phần trăm (%).

* Phương pháp xác định tỷ lệ các mẩu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm:

Tiến hành, phân loại các mẩu vụn nhựa có kích thước lớn hơn 10 cm.

Tỷ lệ phần trăm (%) các mẩu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm là tỷ lệ khối lượng các mẩu vụn có kích thước lớn hơn 10 cm so với tổng khối lượng mẫu thử.

* Phương pháp xác định tỷ lệ phế liệu nhựa có mã HS khác với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu:

Tiến hành phân loại các loại phế liệu nhựa có mã HS khác với mã HS khai báo.

Tỷ lệ phần trăm (%) các loại phế liệu nhựa có mã HS khác với mã HS khai báo là tỷ lệ khối lượng các loại phế liệu nhựa có mã HS khác so với tổng khối lượng mẫu thử.

* Phương pháp xác định thành phần tạp chất:

- Việc xác định nồng độ hoạt độ phóng xạ của lô hàng phế liệu nhựa nhập khẩu thực hiện theo TCVN 7469:2005 (ISO 11932:1996) - Tiêu chuẩn quốc gia về An toàn bức xạ - Đo hoạt độ vật liệu rắn được coi như chất thải không phóng xạ để tái chế, tái sử dụng hoặc chôn cất.

- Việc xác định ngưỡng chất thải nguy hại trong lượng tạp chất tách ra từ phế liệu nhựa nhập khẩu và phế liệu nhựa dạng màng thực hiện theo QCVN 07:2009/BTNMT và Danh mục chi tiết của các chất thải nguy hại tại Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,167

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079