Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3) (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3) được ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT.
Tự nhiên và Xã hội là môn học bắt buộc ở các lớp 1, 2, 3, được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, ban đầu về tự nhiên và xã hội. Môn học cung cấp cơ sở quan trọng cho việc học tập các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở lớp 4, lớp 5 và các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội ở các cấp học trên.
Môn học coi trọng việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế, tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn, học cách ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội.
Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội góp phần hình thành, phát triển ở học sinh tình yêu con người, thiên nhiên; đức tính chăm chỉ; ý thức bảo vệ sức khoẻ của bản thân, gia đình, cộng đồng; ý thức tiết kiệm, giữ gìn, bảo vệ tài sản; tinh thần trách nhiệm với môi trường sống; các năng lực chung và năng lực khoa học.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1, 2, 3) |
Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội quán triệt các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực, kế hoạch giáo dục và các định hướng về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục được nêu trong Chương trình tổng thể. Đồng thời, xuất phát từ đặc thù của môn học, những quan điểm sau được nhấn mạnh trong xây dựng chương trình:
- Dạy học tích hợp
Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội được xây dựng dựa trên quan điểm dạy học tích hợp, coi con người, tự nhiên và xã hội là một chỉnh thể thống nhất có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó con người là cầu nối giữa tự nhiên và xã hội. Các nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống, giáo dục sức khỏe, giáo dục môi trường, giáo dục tài chính được tích hợp vào môn Tự nhiên và Xã hội ở mức độ đơn giản, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
- Dạy học theo chủ đề
Nội dung giáo dục môn Tự nhiên và Xã hội được tổ chức theo các chủ đề: gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khoẻ, Trái Đất và bầu trời. Các chủ đề này được phát triển theo hướng mở rộng và nâng cao từ lớp 1 đến lớp 3. Mỗi chủ đề đều thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội. Tuỳ theo từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống; giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai,... được thể hiện ở mức độ đơn giản và phù hợp.
- Tích cực hoá hoạt động của học sinh
Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội tăng cường sự tham gia tích cực của học sinh vào quá trình học tập, nhất là những hoạt động trải nghiệm; tổ chức hoạt động tìm hiểu, điều tra, khám phá; hướng dẫn học sinh học tập cá nhân, nhóm để tạo ra các sản phẩm học tập; khuyến khích học sinh vận dụng được những điều đã học vào đời sống.