Điều kiện với những người tham gia tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mới nhất (Hình ảnh từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Căn cứ Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2025/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện đối với những người tham gia tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như sau:
(1) Công chức, viên chức và nhân viên tham gia kỳ thi phải là người:
+ Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần trách nhiệm cao;
+ Nắm vững nghiệp vụ làm công tác thi;
+ Không đang trong thời gian bị kỷ luật về Quy chế thi.
(2) Những người có vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; cha, mẹ, anh ruột, chị ruột, em ruột của vợ hoặc chồng; người giám hộ; người được giám hộ (gọi chung là người thân) dự thi trong năm tổ chức kỳ thi không được tham gia công tác ra đề thi cho kỳ thi và không được tham gia tổ chức thi tại địa phương nơi có người thân dự thi.
(3) Ngoài các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại (1) và (2), những người tham gia ra đề thi và chấm thi tự luận phải là người có năng lực chuyên môn tốt.
Theo quy định tại Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT (sửa đổi bởi Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT và Thông tư 02/2024/TT-BGDĐT) quy định về đối tượng, điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT như sau:
(1) Đối tượng dự thi gồm:
(1.1) Người đã học xong chương trình THPT trong năm tổ chức kỳ thi;
(1.2) Người đã học xong chương trình THPT nhưng chưa thi tốt nghiệp THPT hoặc đã thi nhưng chưa tốt nghiệp THPT ở những năm trước;
(1.3) Người đã có Bằng tốt nghiệp THPT, người đã có Bằng tốt nghiệp trung cấp dự thi để lấy kết quả làm cơ sở đăng ký xét tuyển sinh;
(1.4) Một số trường hợp đặc biệt khác do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định.
(2) Điều kiện dự thi:
(2.1) Đối tượng quy định tại (1.1) phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; riêng đối với người học thuộc diện không phải xếp loại hạnh kiểm và người học theo hình thức tự học có hướng dẫn thuộc chương trình GDTX thì không yêu cầu xếp loại hạnh kiểm;
(2.2) Đối tượng quy định tại (1.2) phải có Bằng tốt nghiệp THCS và phải bảo đảm được đánh giá ở lớp 12 đạt hạnh kiểm xếp loại từ trung bình trở lên và học lực không bị xếp loại kém; trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do xếp loại học lực kém ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học đối với một số môn học có điểm trung bình dưới 5,0 (năm) điểm (tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc trường phổ thông nơi ĐKDT), bảo đảm khi lấy điểm bài kiểm tra thay cho điểm trung bình môn học để tính lại điểm trung bình cả năm thì đủ điều kiện dự thi về xếp loại học lực theo quy định; trường hợp không đủ điều kiện dự thi trong các năm trước do bị xếp loại yếu về hạnh kiểm ở lớp 12, phải được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận việc chấp hành chính sách pháp luật và các quy định của địa phương để được trường phổ thông nơi học lớp 12 xác nhận đủ điều kiện dự thi về xếp loại hạnh kiểm theo quy định;
(2.3) Đối tượng đã tốt nghiệp trung cấp quy định tại (1.3) phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019 và các văn bản hướng dẫn hiện hành của Bộ GDĐT;
(2.4) Các đối tượng dự thi phải ĐKDT và nộp đầy đủ các giấy tờ đúng thời hạn.
(3) Đăng ký bài thi:
(3.1) Để xét công nhận tốt nghiệp THPT: thí sinh giáo dục THPT thuộc đối tượng quy định tại (1.1) và (1.2) phải dự thi 04 (bốn) bài thi, gồm 03 (ba) bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 01 (một) bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn; thí sinh GDTX thuộc đối tượng quy định tại (3.1) và (3.2) phải dự thi 03 (ba) bài thi, gồm 02 (hai) bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 01 (một) bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn. Thí sinh GDTX có thể ĐKDT thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh;
(3.2) Thí sinh thuộc đối tượng quy định tại (1.3) được ĐKDT các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Tô Quốc Trình