Trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định thế nào?

11/04/2024 11:45 AM

Cho tôi hỏi trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định thế nào? - Thanh Thủy (Tiền Giang)

Trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định thế nào?

Trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định thế nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định thế nào?

Theo Nghị quyết 743/2004/NQ-UBTVQH11 quy định tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm; bị cáo là quân nhân tại ngũ được sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu.

Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù khi ra phiên tòa thì sử dụng trang phục dành riêng cho họ theo quy định của Chính phủ.

Theo Công văn 106/2005/KHXX ngày 13/5/2005 của Toà án nhân dân tối cao về việc trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự có nội dung như sau:

Ngày 24/12/2004, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 743/2004/NQ-UBTVQH11 “Về trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.

Điều 1 Nghị quyết 743/2004/NQ-UBTVQH11 quy định: “Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm; bị cáo là quân dân tại ngũ được sử dụng quân phục thường dùng, nhưng không đeo quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu.

Bị cáo là người đang chấp hành hình phạt tù khi ra phiên tòa thì sử dụng trang phục riêng cho họ theo quy định của Chính phủ”.

Tuy nhiên qua phản ánh của các cơ quan thông tin đại chúng cho thấy đến thời điểm này tại một số phiên tòa của một số Tòa án nhân dân địa phương, cũng như của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao, các bị cáo đang bị tạm giam vẫn mặc trang phục theo quy định của Chính phủ đối với người đang chấp hành hình phạt tù (trang phục kẻ sọc đen trắng đối với phạm nhân). 

Để góp phần chấm dứt tình trạng này, thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết nói trên của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Tòa án nhân dân địa phương và Toà án quân sự các cấp, các Toà án phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao từ nay trở đi khi gửi Lệnh trích xuất bị cáo cho Ban giám thị Trại tạm giam cần ghi vào Lệnh trích xuất bị cáo như sau:

“Ghi chú: Yêu cầu Ban giám thị Trại tạm giam cho các bị cáo mặc trang phục tại phiên tòa theo đúng quy định tại Điều 1 Nghị quyết 743/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 24/12/2004 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về trang phục của bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự”.

2. Bị cáo là ai? Quyền và nghĩa vụ của bị cáo

Theo Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về bị cáo như sau:

- Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

- Bị cáo có quyền:

+ Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

+ Tham gia phiên tòa;

+ Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;

+ Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;

+ Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;

+ Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;

+ Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;

+ Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;

+ Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;

+ Nói lời sau cùng trước khi nghị án;

+ Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;

+ Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;

+ Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Bị cáo có nghĩa vụ:

+ Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;

+ Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 1,609

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079