Các biện pháp khắc phục sự cố khi xảy ra ngộ độc thực phẩm

04/05/2024 10:42 AM

Các biện pháp khắc phục sự cố khi xảy ra ngộ độc thực phẩm được quy định gồm những biện pháp nào? - Ngọc Khánh (Hậu Giang)

Các biện pháp khắc phục sự cố khi xảy ra ngộ độc thực phẩm

Các biện pháp khắc phục sự cố khi xảy ra ngộ độc thực phẩm (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Ngộ độc thực phẩm là gì?

Theo khoản 10 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì ngộ độc thực phẩm là tình trạng bệnh lý do hấp thụ thực phẩm bị ô nhiễm hoặc có chứa chất độc.

2. Các biện pháp khắc phục sự cố khi xảy ra ngộ độc thực phẩm 

Theo khoản 2 Điều 53 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định các biện pháp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm bao gồm:

- Phát hiện, cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người;

- Điều tra vụ ngộ độc thực phẩm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc, bệnh truyền qua thực phẩm và truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh;

- Đình chỉ sản xuất, kinh doanh; thu hồi và xử lý thực phẩm gây ngộ độc, truyền bệnh đang lưu thông trên thị trường;

- Thông báo ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm.

Theo khoản 17 Điều 2 Luật An toàn thực phẩm 2010 thì sự cố về an toàn thực phẩm là tình huống xảy ra do ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm hoặc các tình huống khác phát sinh từ thực phẩm gây hại trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

3. Các nguyên tắc chung khi điều tra ngộ độc thực phẩm

Các nguyên tắc chung khi điều tra ngộ độc thực phẩm theo Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 39/2006/QĐ-BYT như sau:

- Nắm vững tình hình dịch tễ của địa phương để có hướng phân biệt ngộ độc thực phẩm hay là dịch, tránh nhầm lẫn.

- Điều tra trước khi bị ngộ độc 48 giờ hoặc ít nhất là 24 giờ thông qua:

+ Bệnh nhân (nếu còn tỉnh)

+ Những người xung quanh để nắm được các thông tin liên quan đến người bị ngộ độc thực phẩm đã ăn, uống những gì, các biểu hiện trong thời gian 24 - 48 giờ kể từ khi thực phẩm được ăn, uống.

- Khai thác và nắm vững các triệu chứng lâm sàng để xác định nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

- Phải lưu giữ thức ăn khả nghi, chất nôn, chất rửa dạ dày - ruột, nước tiểu, phân...của người bị ngộ độc thực phẩm, lấy mẫu theo quy định gửi về Trung tâm Y tế dự phòng hoặc Viện chuyên ngành để xét nghiệm.

- Điều tra tình hình vệ sinh môi trường, tình hình cung cấp thực phẩm, nơi chế biến, nơi bảo quản thực phẩm, nhân viên phục vụ ăn uống...theo mẫu biểu quy định để giúp cho việc xác định nguồn gốc và nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm.

- Nếu nghi ngờ ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật cần tiến hành các xét nghiệm cần thiết đối với người bị ngộ độc, xét nghiệm và điều tra nhân viên phục vụ ăn uống.

- Trường hợp có tử vong phải kết hợp với cơ quan Công an và cơ quan Pháp y tiến hành điều tra giải phẫu bệnh lý, lấy dịch trong đường tiêu hoá, máu, tim, phổi của những người bị tử vong để xét nghiệm.

- Việc xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cần phải tiến hành ngay sau khi nhận được mẫu gửi đến. Tuỳ theo dấu hiệu nghi ngờ để có chỉ định xét nghiệm thích hợp.

- Sau khi có kết quả điều tra tại thực địa, phải tổng hợp phân tích xác định được thời gian, địa điểm xảy ra ngộ độc, số người ăn, số người mắc, số người chết, số người phải vào viện, bữa ăn nguyên nhân, thức ăn nguyên nhân, cơ sở nguyên nhân và căn nguyên, đồng thời phải đề ra được các biện pháp xử lý và phòng ngừa.

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,266

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079