Hướng dẫn lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

06/05/2024 16:00 PM

Cho tôi hỏi pháp luật quy định việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động như thế nào? - Thanh An (Quảng Ngãi)

Hướng dẫn lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

Hướng dẫn lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về bộ phận an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về bộ phận an toàn, vệ sinh lao động như sau:

 - Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

- Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy, nổ;

+ Xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

+ Quản lý và theo dõi việc khai báo, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Tổ chức thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

+ Tổ chức tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

+ Chủ trì, phối hợp bộ phận y tế tổ chức giám sát, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;

+ Tổng hợp và đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết kiến nghị của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động;

+ Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên;

+ Tổ chức thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động.

- Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có quyền sau đây:

+ Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động;

+ Đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị không bảo đảm an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng;

+ Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

- Người làm công tác an toàn, vệ sinh, lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật và có hiểu biết về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

- Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh không bố trí được người hoặc không thành lập được bộ phận an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 thì phải thuê các tổ chức có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện các nhiệm vụ an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 72 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015.

2. Hướng dẫn lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

Theo Điều 76 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động như sau:

- Hằng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.

- Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ sau đây:

+ Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

+ Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước;

+ Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch;

+ Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra.

- Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

+ Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ;

+ Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động;

+ Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

+ Chăm sóc sức khỏe người lao động;

+ Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Quy định về đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

Tại Điều 77 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định về việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động như sau:

- Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động là việc phân tích, nhận diện nguy cơ và tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm chủ động phòng, ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động.

- Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá và hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trước khi làm việc, thường xuyên trong quá trình lao động hoặc khi cần thiết.

- Các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải được áp dụng bắt buộc và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc.

Tô Quốc Trình

Chia sẻ bài viết lên facebook 8,325

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079