Nơi đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy tình nguyện (Hình từ Internet)
Cụ thể, trường hợp là cá nhân thì phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc để có thể tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy tình nguyện. Khi đó, Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận, lập danh sách gửi cơ quan Công an quản lý địa bàn.
Đối với trường hợp là tổ chức thì việc đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy tình nguyện sẽ thực hiện tại cơ quan Công an quản lý địa bàn.
(Khoản 1 Điều 32 Nghị định 136/2020/NĐ-CP)
Cụ thể tại Điều 5 Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013) quy định về trách nhiệm phòng cháy và chữa cháy như sau:
(1) Phòng cháy và chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
(2) Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu.
(3) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng cháy và chữa cháy; xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; thành lập, duy trì hoạt động đội phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật;
- Ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về phòng cháy và chữa cháy;
- Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về phòng cháy và chữa cháy;
- Bảo đảm kinh phí cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, sử dụng kinh phí phòng cháy và chữa cháy đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra;
- Thực hiện nhiệm vụ khác về phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
(4) Chủ hộ gia đình có trách nhiệm:
- Đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;
- Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ;
- Phối hợp với cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ.
(5) Cá nhân có trách nhiệm:
- Chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy của người hoặc cơ quan có thẩm quyền;
- Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về phòng cháy và chữa cháy; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy thông dụng;
- Bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy;
- Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy;
- Thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật Phòng cháy và chữa cháy 2001 (sửa đổi 2013).
(6) Lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động phòng cháy và chữa cháy của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.