Mức phạt của hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người lao động mới nhất

01/06/2024 13:00 PM

Người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người lao động thì sẽ có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền theo quy định tại Nghị định 12/2020/NĐ-CP.

Mức phạt của hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người lao động mới nhất

Mức phạt của hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người lao động mới nhất (Hình từ Internet)

Mức phạt của hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người lao động mới nhất

Theo Bộ luật Lao động 2019, việc giữ giấy tờ tùy thân của người lao động là hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động.

Trường hợp người sử dụng lao động có hành vi này sẽ có thể xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 12/2020/NĐ-CP với các mức phạt như sau:

(i) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động. (Điểm a khoản 2 Điều 9 Nghị định 12/2020/NĐ-CP)

(ii) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình. (Điểm a khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2020/NĐ-CP)

Ngoài chịu các mức phạt nêu trên, người sử dụng lao động còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi này gây ra như sau:

- Đối với trường hợp (i): Buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động. (Điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2020/NĐ-CP)

- Đối với trường hợp (ii): Buộc người sử dụng lao động trả lại giấy tờ tùy thân cho lao động là người giúp việc gia đình. (Điểm c khoản 3 Điều 30 Nghị định 12/2020/NĐ-CP)

Lưu ý: Các mức phạt nêu trên chỉ áp dụng cho cá nhân, trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm thì mức phạt sẽ bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Trong đó, tổ chức bị xử phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân bao gồm:

- Cơ quan nhà nước thực hiện hành vi vi phạm, trừ trường hợp thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao;

- Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp Việt Nam hoặc doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;

- Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;

- Đơn vị sự nghiệp;

- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân;

- Văn phòng thường trú của cơ quan báo chí nước ngoài, văn phòng đại diện của nhà xuất bản nước ngoài hoặc tổ chức phát hành xuất bản phẩm nước ngoài tại Việt Nam;

- Cơ quan đại diện các tổ chức quốc tế, tổ chức quốc tế liên Chính phủ, trừ trường hợp được miễn xử phạt vi phạm hành chính theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

- Tổ chức phi chính phủ;

- Văn phòng đại diện hoạt động không sinh lời tại Việt Nam của tổ chức kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học - kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, tư vấn pháp luật nước ngoài;

- Cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở văn hóa - xã hội.

(Khoản 1, 3 Điều 6 Nghị định 12/2020/NĐ-CP)

05 nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo Bộ luật Lao động mới nhất

Theo khoản 2 Điều 6 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

(1) Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

(2) Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

(3) Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;

(4) Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

(5) Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,116

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079