Quy định về lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên tại Tòa án

07/06/2024 13:00 PM

Lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên tại Tòa án là nội dung được quy định tại Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020.

Quy định về lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên tại Tòa án

Quy định về lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên tại Tòa án (Hình ảnh từ Internet)

1. Quy định về lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên tại Tòa án

Tại Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020 quy định về lựa chọn, chỉ định Hòa giải viên tại Tòa án như sau:

- Mỗi vụ việc do 01 Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại.

- Người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án đó.

- Trường hợp người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn Hòa giải viên trong danh sách Hòa giải viên của Tòa án nhân dân cấp huyện khác trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì phải thông báo họ, tên, địa chỉ của Hòa giải viên cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc và Hòa giải viên được lựa chọn.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo lựa chọn Hòa giải viên, Hòa giải viên được lựa chọn phải có ý kiến bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý gửi Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại nơi giải quyết vụ việc, Tòa án nơi mình làm việc và người khởi kiện, người yêu cầu.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo ý kiến đồng ý của Hòa giải viên, Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc phải có ý kiến đồng ý hoặc không đồng ý với sự lựa chọn của Hòa giải viên gửi Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Hòa giải viên; Hòa giải viên có trách nhiệm thông báo cho người khởi kiện, người yêu cầu biết.

Trường hợp nhận được ý kiến không đồng ý của Hòa giải viên, của Tòa án nơi Hòa giải viên làm việc thì người khởi kiện, người yêu cầu có thể lựa chọn Hòa giải viên khác.

- Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc chỉ định Hòa giải viên theo sự lựa chọn của người khởi kiện, người yêu cầu trong các trường hợp sau đây:

+ Theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020;

+ Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020 khi được sự đồng ý của Hòa giải viên được lựa chọn và Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc;

+ Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020.

- Thẩm phán phụ trách hòa giải, đối thoại của Tòa án nơi giải quyết vụ việc tự mình chỉ định Hòa giải viên trong các trường hợp sau đây:

+ Người khởi kiện, người yêu cầu không lựa chọn Hòa giải viên theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020;

+ Không có sự đồng ý của Hòa giải viên được lựa chọn, của Tòa án nơi Hòa giải viên đó làm việc theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020 mà các bên không lựa chọn Hòa giải viên khác;

+ Hòa giải viên từ chối tiến hành hòa giải, đối thoại hoặc bị đề nghị thay đổi theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020 mà các bên không lựa chọn Hòa giải viên khác;

+ Người bị kiện đề nghị thay đổi Hòa giải viên theo quy định tại điểm b khoản 8 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020.

- Việc chỉ định Hòa giải viên theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020 phải căn cứ vào tính chất của từng vụ việc; trường hợp vụ việc có liên quan đến người dưới 18 tuổi thì Thẩm phán chỉ định Hòa giải viên có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý của người dưới 18 tuổi.

2. Những trường hợp không được tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Các trường hợp không được tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án bao gồm:

- Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

- Vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội.

- Người khởi kiện, người yêu cầu, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia hòa giải, đối thoại được vì có lý do chính đáng.

- Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.

- Một trong các bên đề nghị không tiến hành hòa giải, đối thoại.

- Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015.

- Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

(Theo Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Toà án 2020).

Tô Quốc Trình

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,109

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079