Mất bao nhiêu cái răng thì không đi nghĩa vụ quân sự 2025? (Hình từ Internet)
Theo Thông tư 105/2023/TT-BQP, công dân đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 sẽ đáp ứng được điều kiện chung về sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Theo Điều 5 Thông tư 105/2023/TT-BQP, tiêu chuẩn phân loại sức khỏe đi nghĩa vụ quân sự sẽ được dựa trên việc phân loại theo thể lực và phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe.
Trong đó, việc “Mất răng” được xếp vào các bệnh về Răng - Hàm - Mặt thuộc Tiêu chuẩn phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe tại Mục II ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.
Các mức độ mất răng khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ được chấm điểm như sau:
- Còn đủ 28 răng (không kể răng khôn): Chấm điểm 1;
- Mất răng đã có phục hình đảm bảo chức năng và thẩm mỹ: Chấm điểm 2;
- Mất ≤ 3 răng, trong đó có 1 răng hàm lớn hoặc răng cửa, sức nhai còn 85% trở lên: Chấm điểm 2;
- Mất 4 răng, trong đó có ≤ 2 răng hàm lớn hoặc răng cửa, sức nhai còn 70% trở lên: Chấm điểm 3;
- Mất 5-7 răng, trong đó có ≤ 3 răng hàm lớn hoặc răng cửa, sức nhai còn 50% trở lên: Chấm điểm 4;
- Mất trên 7 răng, trong đó có > 3 răng hàm lớn hoặc răng cửa, sức nhai còn < 50%: Chấm điểm 5.
Mà việc xếp công dân có sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 sẽ được căn cứ số điểm cho các chỉ tiêu khi khám để phân loại sức khỏe, cụ thể: sức khỏe loại 1 khi tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1; sức khỏe loại 2 khi có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2 và sức khỏe loại 3 khi có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.
Dựa vào các nội dung nêu trên, nếu công dân có mức độ “Mất răng” được chấm điểm 1, 2, 3 thì vẫn có thể đi nghĩa vụ quân sự (đồng thời phải đảm bảo các tiêu chuẩn khác có liên quan theo luật định), tức mất từ dưới 4 răng, trong đó không quá 2 răng hàm lớn hoặc răng cửa và sức nhai vẫn đảm bảo từ 70% trở lên vẫn đảm bảo.
Trường hợp mất từ 5 răng trở lên (trong đó trên 3 răng hàm lớn hoặc răng cửa và sức nhai không đảm bảo theo quy định) thì sẽ xếp loại 4, 5; tức không đạt tiêu chuẩn sức khỏe và có thể không đi nghĩa vụ quân sự 2025 (nếu các tiêu chuẩn khác không đạt yêu cầu theo luật định).
Theo khoản 2 Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, các trường hợp công dân được miễn đi nghĩa vụ quân sự gồm:
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Trường hợp công dân thuộc diện được được miễn mà tình nguyện đăng ký đi nghĩa vụ quân sự thì sẽ được xem xét tuyển chọn và gọi nhập ngũ.
Được biết, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân, trong đó việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. - Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015. |