Chế độ an toàn, vệ sinh lao động của người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng (Hình từ Internet)
Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH thì chế độ an toàn, vệ sinh lao động của người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng như sau:
- Người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng được hưởng các chế độ an toàn, vệ sinh lao động như sau:
+ Được hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 32 Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động và các văn bản hướng dẫn;
+ Được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định;
+ Được chủ đầu tư cung cấp thông tin về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn;
+ Được chủ đầu tư mua bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và bảo hiểm bắt buộc đối với trách nhiệm nghề nghiệp khác theo quy định của pháp luật.
- Người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng có nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như sau:
+ Chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;
+ Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với những người có liên quan trong quá trình lao động;
+ Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động;
+ Thực hiện khai báo tai nạn lao động với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 và các văn bản hướng dẫn.
- Trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc theo hình thức cộng đồng như sau:
+ Tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động và được hưởng các chế độ quy định tại các điểm a và b khoản 1 ĐĐiều 6 Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH;
+ Bảo đảm các chế độ đối với người lao động quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 6 Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH;
+ Phối hợp và tạo điều kiện để người lao động thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 11/2017/TT-BLĐTBXH.
Chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động được quy định cụ thể tại Điều 6 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 bao gồm:
- Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.
- Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ an toàn, vệ sinh lao động.
- Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.
- Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
- Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.