Các tiêu chí thuộc hàng hóa danh mục bình ổn giá mới nhất

16/10/2024 17:30 PM

Nội dung bài viết trình bày các tiêu chí thuộc hàng hóa danh mục bình ổn giá theo quy định pháp luật hiện hành. Theo đó là các quy định pháp luật liên quan.

Các tiêu chí thuộc hàng hóa danh mục bình ổn giá mới nhất

Các tiêu chí thuộc hàng hóa danh mục bình ổn giá mới nhất (Hình ảnh từ Internet)

1. Các tiêu chí thuộc hàng hóa danh mục bình ổn giá mới nhất

Tại Điều 17 Luật Giá 2023 thì hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau đây:

- Là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu;

- Có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Các hàng hóa hiện thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm:

- Xăng, dầu thành phẩm.

- Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG).

- Sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi.

- Thóc tẻ, gạo tẻ.

- Phân đạm; phân DAP; phân NPK.

- Thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản.

- Vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

- Thuốc bảo vệ thực vật.

- Thuốc thuộc danh mục thuốc thiết yếu được sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

2. Nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá

Cụ thể, tại Điều 18 Luật Giá 2023 quy các nguyên tắc và các trường hợp bình ổn giá như sau:

* Nguyên tắc bình ổn giá được quy định như sau:

- Công khai, minh bạch; hài hòa lợi ích giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ với người tiêu dùng;

- Phù hợp với điều ước mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;

- Phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát;

- Xác định rõ thời hạn và phạm vi thực hiện trên phạm vi cả nước hoặc tại địa phương.

* Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, bình ổn giá trong các trường hợp sau đây:

- Mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân;

- Khi cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường.

3. Thủ tục đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá

- Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá sự cần thiết của việc điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trên cơ sở tiêu chí về hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Giá 2023 và các căn cứ sau đây:

+ Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội;

+ Yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về giá hàng hóa, dịch vụ để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc để phù hợp với những thay đổi về quan hệ cung cầu trên thị trường của hàng hóa, dịch vụ đó;

+ Kết quả nghiên cứu, tổng kết, đánh giá thực trạng biện pháp quản lý giá của hàng hóa, dịch vụ cần điều chỉnh.

- Trên cơ sở các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 85/2024/NĐ-CP, khi cần đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nội dung sau:

+ Trường hợp đề nghị bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá: tổng kết, đánh giá về tình hình cung, cầu, diễn biến giá cả thị trường và thực trạng biện pháp quản lý giá của hàng hóa, dịch vụ cần bổ sung; đánh giá sự cần thiết điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 85/2024/NĐ-CP; đánh giá tác động của chính sách bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài (nếu cần thiết);

+ Trường hợp đề nghị đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá: tổng kết, đánh giá việc thực hiện bình ổn giá đối với hàng hóa, dịch vụ; đánh giá về tình hình cung, cầu, diễn biến giá cả thị trường của hàng hóa, dịch vụ; đánh giá sự cần thiết điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 85/2024/NĐ-CP và dự kiến biện pháp quản lý giá thay thế đối với hàng hóa, dịch vụ đó sau khi đưa ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; đánh giá tác động của chính sách đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài (nếu cần thiết);

+ Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề xuất điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực đối với hàng hóa, dịch vụ đó trước khi gửi Bộ Tài chính tổng hợp.

- Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi 01 bản chính hồ sơ đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cho Bộ Tài chính tổng hợp, hồ sơ bao gồm các tài liệu sau đây:

+ Văn bản đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá:

Trường hợp đề nghị bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, tại văn bản nêu rõ tên hàng hóa, dịch vụ, dự kiến đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; đề xuất bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ và chủ trì thực hiện các biện pháp bình ổn giá;

Trường hợp đề nghị đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, tại văn bản nêu rõ tên hàng hóa, dịch vụ và biện pháp quản lý giá thay thế đối với hàng hóa, dịch vụ đó;

+ Báo cáo tổng kết, đánh giá các nội dung theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 4 Nghị định 85/2024/NĐ-CP;

+ Báo cáo đánh giá tác động của chính sách bổ sung hoặc đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá;

+ Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý;

+ Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

- Trên cơ sở đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015.

Chia sẻ bài viết lên facebook 343

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079