Trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS đang có xu hướng tăng nhanh ở nhóm thanh niên trẻ và chủ yếu lây qua đường tình dục, đặc biệt là ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.
Để ứng phó với tình hình đó, biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đã được triển khai rộng rãi ở hầu hết các tỉnh thành phố.
Một người có hành vi nguy cơ dễ lây nhiễm HIV sau khi có kết quả xét nghiệm HIV âm tính thì có thể được điều trị PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV.
PrEP là một phương pháp dự phòng rất hiệu quả giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 90% nếu được sử dụng đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
(Theo Hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động được ban hành kèm theo Quyết định 228/QĐ-AIDS ngày 23/8/2023)
Như vậy, PrEP là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, viết tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis).
PrEP - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV lên đến 90% (Hình từ internet)
Theo Hướng dẫn phòng chống HIV/AIDS cho công nhân lao động được ban hành kèm theo Quyết định 228/QĐ-AIDS ngày 23/8/2023, công nhân lao động có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV có thể tiếp cận tư vấn, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm theo những mô hình sau:
Mô hình 1: Tư vấn và chuyển gửi PrEP tại cộng đồng Đối với các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện cung cấp dịch vụ tư vấn và điều trị PrEP thì chỉ cung cấp thông tin và chuyển gửi công nhân lao động có nhu cầu đến các cơ sở y tế tại cộng đồng để nhận dịch vụ.
Chi tiết xem thêm phần IV của tài liệu này.
Mô hình 2: Tư vấn và điều trị PrEP tại doanh nghiệp
Cán bộ y tế của doanh nghiệp sau khi được tập huấn chuyên môn về tư vấn và điều trị PrEP và doanh nghiệp đủ điều kiện theo qui định hiện hành để triển khai hoạt động này tại phòng y tế. Khi đó, doanh nghiệp liên hệ với cơ quan y tế trên địa bàn để hỗ trợ thuốc và sinh phẩm để triển khai tại đơn vị. Người lao động có nhu cầu sẽ được nhận dịch vụ PrEP nếu được chỉ định điều trị.
Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV cho công nhân lao động có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV là hoạt động cần thiết, trong trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện triển khai tại phòng y tế thì có thể chuyển tiếp, chuyển tuyến người lao động có nhu cầu đến sử dụng dịch vụ PrEP tại cộng đồng.
Tại Điều 14 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) quy định phòng chống HIV/AIDS tại nơi làm việc như sau:
(1) Người sử dụng lao động có các trách nhiệm sau đây:
- Tổ chức việc truyền thông, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV trong cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV;
- Tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS;
- Các trách nhiệm khác về phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật.
(2) Người sử dụng lao động không được có các hành vi sau đây:
- Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
- Ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV;
- Từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV;
- Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).