“Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới”

10/04/2015 07:57 AM

Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay sẽ đạt 18 tỉ đô la Mỹ, các nhà quản lý, chuyên gia tại hội thảo “Tác động của FDI đến kinh tế Việt Nam” đã đánh giá như vậy.

Các chuyên gia cho rằng Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới. Ảnh: TG

Phát biểu tại hội thảo do Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài, nhận định rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký có thể đạt 18 tỉ đô la Mỹ, và số vốn giải ngân có thể đạt trên 12 tỉ đô la Mỹ trong năm nay.

Ông Hoàng nói: “Chúng tôi hy vọng giải ngân FDI trên 12 tỉ đô la Mỹ, đó là chưa tính đến đột biến. Với trào lưu hội nhập thế này, có lẽ giải ngân còn hơn thế”.

Ông Vũ Hoàng Dương thuộc Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét, trong giai đoạn 2008-2013, dù số vốn cam kết đến mức nào, thì vốn thực hiện chỉ dao động khoảng 10 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.

“Có lẽ có nhiều lý do, nhưng chúng ta cũng nên đặt ra vấn đề liệu có phải năng lực hấp thụ FDI của Việt Nam chỉ ở mức đó, dù đăng ký 80 tỉ đô la Mỹ thì hấp thụ chỉ 10 tỉ. Phải chăng khả năng hấp thụ của chúng ta có giới hạn?” ông Dương đặt câu hỏi.

Theo ông Hoàng, năm 1977 Việt Nam ban hành Nghị định về đầu tư nước ngoài nhưng không thu hút được dự án nào trong giai đoạn 1977-1985.

Đến cuối thập niên 1980, Việt Nam ban hành Luật đầu tư nước ngoài. Sau đó, Mỹ bỏ cấm vận năm 1995 đã mở ra một kênh thu hút FDI.

Ông cho biết, khu vực FDI đang đóng góp 22-25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, 15% vào Ngân sách Nhà nước.

“Đóng góp đó chưa phải là cao, nhưng đó là đóng góp từ không đến có, từ chỗ khu vực FDI chưa được công nhận đến chỗ trở nên một thành phần của nền kinh tế… Chúng tôi có thể nói không có FDI chúng ta không thể phát triển như ngày hôm nay,” ông Hoàng nói.

“Muốn đất nước phát triển, phải mở cửa để dòng tiền vào. Như thế sẽ khơi dậy các nguồn đầu tư trong nước để tất cả cùng phát triển,” ông nói thêm.

“Tôi không đồng tình quan điểm chúng ta ưu đãi FDI hơn. Tất cả thủ tục là chung, luật là chung, đất đai, lao động không có ưu đãi…,” ông Hoàng nói.

Giáo sư Nguyễn Mại nhận định: “Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới với Samsung, Intel, Canon,…”

Ông Mại nhận xét, Vĩnh Phúc đã đột phá nhờ FDI. Trước đây, khi tách khỏi tỉnh Vĩnh Phú, thu ngân sách của tỉnh này chỉ là 100 tỉ đồng, nhưng đến năm 2014 con số này đã tăng 1.160 lần. Tỉnh Bắc Ninh cũng đã đột phá nhờ có Samsung, Canon, Nokia và chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh hơn cả Hà Nội.

Tuy nhiên, Ông Vũ Quốc Huy, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, nhận xét rằng tác động của các dự án FDI đến nền kinh tế chưa nhiều.

Chẳng hạn, Canon đầu tư vào Việt Nam tổng vốn hơn 300 triệu đô la Mỹ năm 2001. Lúc đó, công ty này có 7 nhà cung cấp, nay đã lên hơn 100 nhà cung cấp, tỷ lệ nội địa hóa là hơn 60%. Tuy nhiên số lượng nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm gần 10% trong tổng số nhà cung cấp.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam cung cấp phụ kiện cho Samsung cũng dưới 10% tổng số nhà cung cấp.

“Điều này cho thấy tỷ lệ tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong liên kết với Canon là không đáng kể. Những linh kiện phụ tùng đòi hỏi độ chính xác cao thì doanh nghiệp Việt Nam chưa làm được,” ông Huy nhận xét.

Tư Giang

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,357

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079