1. Chi trả chi phí cho người mang thai hộ
Từ ngày 01/11/2016, Thông tư 32/2016/TT-BYT quy định việc chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, bên nhờ mang thai hộ bắt buộc phải chi trả cho bên mang thai hộ:
- Chi phí đi lại tới cơ sở khám, chữa bệnh để được tư vấn, khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe, thực hiện dịch vụ, kỹ thuật y tế;
- Chi phí thực hiện các dịch vụ tư vấn, khám, chữa bệnh, kỹ thuật y tế trong việc hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe sinh sản;
- Chi phí các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế chưa được tính vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh;
- Chi phí dinh dưỡng, các vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau theo thỏa thuận giữa bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
Đối với những chi phí cho các dịch vụ chưa được cấp có thẩm quyền quy định giá thì thanh toán theo hóa đơn, chứng từ của cơ sở khám, chữa bệnh.
2. Đánh giá định kì học tập học sinh tiểu học theo 3 mức
Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT về quy định đánh giá học sinh tiểu học sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 06/11/2016. Theo đó:
- Việc đánh giá định kì học sinh tiểu học vào giữa và cuối học kì được thực hiện như sau:
+ Đánh giá về học tập: Hoàn thành tốt, Hoàn thành, Chưa hoàn thành (thay vì hai mức Hoàn thành và Chưa hoàn thành như quy định hiện hành)
+ Đánh giá về năng lực, phẩm chất: Tốt, Đạt, Cần cố gắng.
- Hồ sơ đánh giá học sinh được thu gọn chỉ còn Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp.
- Các đối tượng học sinh được khen thưởng cuối học kì gồm:
+ Học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện
+ Học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc.
3. Hỗ trợ chế biến gỗ rừng trồng đặc thù cho các tỉnh nghèo
Đây là một trong những điểm mới của Quyết định 38/2016/QĐ-TTg về việc ban hành một số chính sách đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng đối với các công ty nông, lâm nghiệp.
Theo đó, Nhà đầu tư trong nước có dự án đầu tư nhà máy chế biến gỗ rừng trồng; tre công nghiệp tại các tỉnh Tây Bắc, Tây nguyên và các tỉnh có huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP được hỗ trợ như sau:
- Hỗ trợ đầu tư:
+ 20 tỷ đồng/nhà máy sản xuất gỗ MDFquy mô trên 30.000 m3 MDF/năm trở lên;
+ 10 tỷ đồng/nhà máy đối với các nhà máy chế biến ván dăm, tre ép công nghiệp có quy mô trên 20.000 m3 trở lên;
+ 10 tỷ đồng/nhà máy đối với nhà máy ván dán quy mô trên100.000 m3 để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và xử lý chất thải.
- Hỗ trợ sau đầu tư: tính theo khoảng cách vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km.
Quyết định 38/2016/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/11/2016.
4. Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu với DNNN cổ phần hóa
Từ ngày 01/11/2016, Thông tư 115/2016/TT-BTC sửa đổi Thông tư 196/2011/TT-BTC về việc hướng dẫn bán cổ phần lần đầu của các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (DNNN) sẽ có hiệu lực. Theo đó:
- DNNN khi thực hiện cổ phần hóa (CPH) phải gắn việc đăng ký bán đấu giá cổ phần lần đầu qua Sở Giao dịch chứng khoán đồng thời với việc đăng ký, lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phần.
- Doanh nghiệp CPH phải báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần trong 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá.
- Kết quả bán cổ phần phải kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản phong tỏa về số tiền thu được từ đợt đấu giá.
- Ban Chỉ đạo CPH ký hợp đồng hoặc ủy quyền cho doanh nghiệp CPH ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ đấu giá với Tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần.