08 Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2023

29/12/2022 17:03 PM

Từ ngày 01/01/2023, 08 Nghị định mới với những nội dung nổi bật sẽ bắt đầu có hiệu lực, đơn cử như: 04 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy; tiêu chí nhập khẩu mới đối với các thiết bị in; thay đổi cơ cấu tổ chức 04 cơ quan nhà nước.

1. 04 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy

Ngày 21/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.

Trong đó, quy định 04 phương thức tra cứu thông tin cư trú của công dân khi không còn sổ hộ khẩu giấy bao gồm:

- Tra cứu, khai thác thông tin cá nhân qua chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc qua Cổng dịch vụ công quốc gia;

- Tra cứu thông tin cá nhân thông qua tài khoản định danh điện tử của công dân được hiển thị trong ứng dụng VNeID;

- Sử dụng thiết bị đầu đọc đã được kết nối trực tuyến với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm thiết bị đọc mã QRCode hoặc thiết bị đọc chíp trên thẻ Căn cước công dân gắn chíp;

- Các phương thức khai thác khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

2. Sửa quy định về gói dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền cơ bản

Đây là nội dung tại Nghị định 71/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.

Cụ thể, nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được tổ chức thành các gói dịch vụ và dịch vụ. Trong đó, gói dịch vụ cơ bản được quy định như sau:

Gói dịch vụ cơ bản là gói dịch vụ mà đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải cung cấp đến thuê bao và phải được thể hiện trong hợp đồng cung cấp dịch vụ, bao gồm: các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu; có thể có các kênh chương trình trong nước, kênh chương trình nước ngoài, cụ thể:

- Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia phải được cung cấp đến tất cả thuê bao;

- Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của địa phương phải được cung cấp đến các thuê bao tại địa phương nơi đơn vị cung cấp dịch vụ theo địa bàn hành chính, trừ trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ sử dụng công nghệ truyền dẫn, phát sóng không có khả năng chèn hoặc thay thế kênh chương trình;

- Điểm nhận tín hiệu kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu thực hiện theo thỏa thuận giữa cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ.

Cơ quan báo chí quyết định điểm nhận tín hiệu từ Tổng khống chế của cơ quan báo chí hoặc từ một địa điểm có vị trí thuận lợi, gần nhất, phù hợp với các quy định của pháp luật để bảo đảm chất lượng tín hiệu và tiết kiệm chi phí truyền dẫn của đơn vị cung cấp dịch vụ;

- Các kênh chương trình nước ngoài và kênh chương trình trong nước khác do đơn vị cung cấp dịch vụ quyết định. (Quy định mới bổ sung)

(Hiện hành, gói dịch vụ cơ bản được quy định là gói dịch vụ bao gồm các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Nhà nước mà doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải cung cấp đến thuê bao và phải được thể hiện trong hợp đồng cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.)

3. Tiêu chí nhập khẩu đối với các thiết bị in áp dụng từ ngày 01/01/2023

Chính phủ ban hành Nghị định 72/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in và Nghị định 25/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in.

Theo đó, thiết bị in quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 72/2022/NĐ-CP), trước khi nhập khẩu, tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải khai báo với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định tại Điều 28 Nghị định 60/2014/NĐ-CP (trừ máy in phun, máy in laser đơn màu hoặc đa màu có tốc độ in từ 60 tờ/phút (khổ A4) trở xuống hoặc có khổ in từ A3 trở xuống và máy in kim).

Tiêu chí nhập khẩu đối với các thiết bị in như sau:

- Đối với các thiết bị in quy định tại điểm a khoản 5 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP, tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm;

- Đối với các thiết bị in quy định tại điểm b và điểm c khoản 5 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP, tuổi thiết bị không vượt quá 20 năm;

- Đối với các thiết bị in quy định tại điểm d khoản 5 Điều 2 Nghị định 60/2014/NĐ-CP, tuổi thiết bị không vượt quá 03 năm.

Trong đó, tuổi thiết bị là thời gian được xác định từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu của máy móc, thiết bị (tính theo năm); trong đó năm sản xuất ghi trên tem, nhãn hàng dưới hình thức in, dán, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên thiết bị; năm nhập khẩu là năm hàng hóa về đến cửa khẩu Việt Nam. (Quy định mới bổ sung)

(Hiện hành, chỉ quy định các thiết bị in khi nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thông tin và Truyền thông và không yêu cầu tiêu chí về tuổi thiết bị.)

4. Yếu tố tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP từ năm 2023

Nghị định 94/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 97/2016/NĐ-CP) quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hiệu lực ngày 01/01/2023.

Theo đó, yếu tố tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (GRDP) quy định như sau:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện:

- Tổng hợp, xử lý thông tin đầu vào đã được thu thập ở Điều 8 Nghị định 94/2022/NĐ-CP .

- Tính các chỉ tiêu theo phạm vi cả nước gồm:

+ Tích lũy tài sản;

+ Tiêu dùng cuối cùng;

+ Trị giá hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Trị giá dịch vụ xuất khẩu, nhập khẩu;

+ Giá trị sản xuất;

+ Chi phí trung gian;

+ Hệ thống chỉ số giá;

+ Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác.

- Tính các chỉ tiêu theo phạm vi vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm:

+ Giá trị sản xuất;

+ Chi phí trung gian;

+ Hệ thống chỉ số giá;

+ Thuế sản phẩm, trợ cấp sản phẩm và các chỉ tiêu thống kê khác.

- Hoàn thiện, giải trình kết quả tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GRDP sau khi thống nhất số liệu giữa trung ương và địa phương.

5. Chỉ còn 25 đơn vị trong cơ cấu của Bộ Tư pháp

Từ ngày 01/01/2023, Bộ Tư pháp chỉ còn 25 đơn vị theo quy định tại Nghị định 98/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 96/2017/NĐ-CP) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.

Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp có sự điều chỉnh như sau:

- Giảm đi 02 đơn vị gồm: Vụ Thi đua - Khen thưởng và Cục Công tác phía Nam.

- Điều chỉnh Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật thành Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật;

- Điều chỉnh Cục con nuôi thành Vụ con nuôi;

- Đổi tên Viện Khoa học pháp lý thành Viện Chiến lược và Khoa học pháp lý.

Trong đó, có 20 tổ chức hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước và 5 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước thuộc bộ.

Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật có 4 phòng, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính có 3 phòng, Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế có 4 phòng, Vụ Pháp luật quốc tế có 4 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 5 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế có 3 phòng.

6. Giảm 01 đơn vị trong cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Đây là nội dung tại Nghị định 102/2022/NĐ-CP ngày 12/12/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Theo đó, từ ngày 01/01/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam áp dụng cơ cấu tổ chức mới với những điều chỉnh như sau:

- Không còn Vụ Thi đua - Khen thưởng;

- Bổ sung Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước;

- Không còn Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.

Vụ Chính sách tiền tệ có 6 phòng. Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính - Kế toán, Vụ Hợp tác quốc tế có 5 phòng. Vụ Quản lý ngoại hối, Vụ Thanh toán, Vụ Kiểm toán nội bộ, Vụ Dự báo, thống kê có 4 phòng. Vụ Pháp chế có 3 phòng.

Đồng thời, Vụ Quản lý ngoại hối, Sở Giao dịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo các quy định hiện hành cho đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước, Vụ Quản lý ngoại hối và Sở giao dịch.

Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng được hoàn thành các nhiệm vụ đang thực hiện cho đến khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện xong việc sắp xếp tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản của Trường Bồi dưỡng cán bộ ngân hàng.

Xem thêm tại Nghị định 102/2022/NĐ-CP thay thế Nghị định 16/2017/NĐ-CP .

7. Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam áp dụng cơ cấu tổ chức mới từ ngày 01/01/2023

Đây là nội dung tại Nghị định 106/2022/NĐ-CP (thay thế Nghị định 60/2017/NĐ-CP) quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Cụ thể, so với quy định hiện hành, cơ cấu Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từ ngày 01/01/2023 được điều chỉnh như sau:

- Nhập Ban Tổ chức - Cán bộ và Ban Kiểm tra thành Ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra;

- Nhập Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường;

- Bỏ đi 01 đơn vị là Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ.

Như vậy, sau khi điều chỉnh, cơ cấu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có 38 đơn vị.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các Đề án kiện toàn, sắp xếp các đơn vị trực thuộc Viện Hàn lâm bảo đảm theo đúng quy định, cụ thể như sau:

- Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ Nha Trang tiếp tục hoạt động đến hết năm 2024, sau đó thực hiện sáp nhập vào Viện Hải dương học quy định tại khoản 15 Điều 3 Nghị định 106/2022/NĐ-CP .

- Viện Khoa học năng lượng và Viện Công nghệ môi trường tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường theo quy định tại khoản 18 Điều 3 Nghị định 106/2022/NĐ-CP .

- Trung tâm Phát triển công nghệ cao và Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ tiếp tục hoạt động đến hết năm 2023, sau đó thực hiện hợp nhất thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ cao theo quy định tại khoản 35 Điều 3 Nghị định 106/2022/NĐ-CP .

8. Cơ cấu tổ chức mới của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thay đổi từ ngày 01/01/2023 theo Nghị định 108/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Cụ thể, điều chỉnh cơ cấu tổ chức Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam từ ngày 01/01/2023 như sau:

- Không còn quy định về các đơn vị:

+ Viện Nghiên cứu Kinh thành;

+ Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam;

+ Trung tâm Phân tích và Dự báo.

- Nhập Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á và Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông thành Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và Châu Phi.

Trong đó, có 5 đơn vị chuyên môn giúp việc cho Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Văn phòng được tổ chức 10 phòng), 29 đơn vị là các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, 04 đơn vị là các đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Xem thêm tại Nghị định 108/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2023 thay thế Nghị định 99/2017/NĐ-CP .

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 14,719

VĂN BẢN NỔI BẬT MỚI CẬP NHẬT
  • 18:20 | 22/11/2024 Thông tư 40/2024/TT-BYT ngày 22/11/2024 quy định đặc điểm kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ y tế dự phòng về lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế công lập
  • 17:05 | 22/11/2024 Quyết định 1437/QĐ-TTg 20/11/2024 về Kế hoạch hành động quốc gia phát triển kinh tế số giai đoạn 2024-2025
  • 17:00 | 22/11/2024 Nghị định 153/2024/NĐ-CP ngày 21/11/2024 quy định phí bảo vệ môi trường đối với khí thải
  • 15:00 | 22/11/2024 Thông tư 27/2024/TT-BCT ngày 21/11/2024 quy định về tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công trình năng lượng
  • 16:35 | 21/11/2024 Thông tư 65/2024/TT-BCA ngày 12/11/2024 quy định kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ để được phục hồi điểm giấy phép lái xe
  • 14:10 | 21/11/2024 Thông tư 15/2024/TT-BNNPTNT ngày 20/11/2024 sửa đổi Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y
  • 11:45 | 21/11/2024 Thông tư 39/2024/TT-BYT ngày 17/11/2024 sửa đổi Thông tư 35/2016/TT-BYT về Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế
  • 11:40 | 21/11/2024 Thông tư 12/2024/TT-BLĐTBXH ngày 14/11/2024 sửa đổi 10 Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã và hướng dẫn quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Mua bán nợ Việt Nam
  • 11:40 | 21/11/2024 Thông tư 12/2024/TT-BTP ngày 31/10/2024 bãi bỏ một số điều, khoản của Thông tư do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn nội dung quản lý công chức, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự
  • 09:45 | 21/11/2024 Thông tư 80/2024/TT-BTC ngày 11/11/2024 hướng dẫn hỗ trợ tài chính đối với Đoàn kinh tế - quốc phòng quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 22/2021/NĐ-CP về Khu kinh tế - quốc phòng
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079