Theo đó, các nội dung chính tại văn bản nổi bật tuần 15 năm 2025 bao gồm:
Cách xác định tiền lương tháng để tính hưởng chính sách theo Nghị định 178 với người hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư 002/2025/TT-BNV ngày 04/4/2025 sửa đổi Thông tư 01/2025/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị (có hiệu lực từ ngày ký).
Theo đó quy định cách xác định tiền lương tháng để tính hưởng chính sách theo Nghị định 178 với người hưởng lương theo bảng lương do Nhà nước quy định như sau:
Tiền lương tháng hiện hưởng bao gồm: Mức tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và các khoản tiền phụ cấp lương (gồm: Phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; phụ cấp ưu đãi theo nghề; phụ cấp trách nhiệm theo nghề; phụ cấp công vụ; phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội; phụ cấp đặc thù đối với lực lượng vũ trang) và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương, cụ thể:
- Tiền lương tháng hiện hưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động = Hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp x Mức lương cơ sở + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x Mức lương cơ sở + Mức tiền các khoản phụ cấp tính theo lương ngạch, bậc, chức vụ, chức danh, chức danh nghề nghiệp và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)
- Tiền lương tháng hiện hưởng đối với người làm công tác cơ yếu = Hệ số lương theo cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng x Mức lương cơ sở + Hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) x Mức lương cơ sở + Mức tiền các khoản phụ cấp tính cấp bậc hàm cơ yếu hoặc bậc lương chuyên môn kỹ thuật cơ yếu hiện hưởng và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có)
Mức lương cơ sở để tính tiền lương tháng hiện hưởng nêu trên là mức lương cơ sở do Chính phủ quy định tại thời điểm tháng trước liền kề tháng nghỉ việc.
Quy định về soạn thảo thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ
Nội dung đề cập tại Nghị định 78/2025/NĐ-CP hướng dẫn và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, quy định về soạn thảo thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ như sau:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành thông tư; phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức soạn thảo thông tư.
- Đơn vị chủ trì soạn thảo thông tư có trách nhiệm:
+ Tổ chức soạn thảo thông tư. Trường hợp cần thiết, thành lập Tổ soạn thảo với sự tham gia của đại diện tổ chức pháp chế, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học để tư vấn cho đơn vị chủ trì soạn thảo thực hiện việc soạn thảo;
+ Xây dựng hồ sơ dự thảo thông tư, bao gồm: dự thảo tờ trình; dự thảo thông tư; bản đánh giá thủ tục hành chính, việc phân cấp, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp (nếu có); báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến dự thảo văn bản đối với trường hợp ban hành văn bản quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật;
+ Đăng tải hồ sơ dự thảo thông tư trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành trong thời gian ít nhất 10 ngày để lấy ý kiến, trừ trường hợp điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì việc đăng tải thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 51 của Luật;
+ Lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của thông tư và cơ quan, tổ chức có liên quan. Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ có thể lấy ý kiến bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức có liên quan, chuyên gia, nhà khoa học. Trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến;
+ Nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý.
Nghị định 78/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/4/2025.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục và nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án đầu tư công nhóm A, B, C
Ngày 08/4/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 85/2025/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư công, có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
- Trình tự, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 37 Luật Đầu tư công, trong đó, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao tổ chức lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh, báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án bao gồm:
+ Tờ trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án, trong đó làm rõ các nội dung: Lý do điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án; các nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án tương ứng với các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, dự án và sự phù hợp với các trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật Đầu tư công;
+ Hồ sơ kèm theo Tờ trình gồm: quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án; quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án trước đó (nếu có); báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án gồm các nội dung của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư quy định tại các Điều 33, 34, 35 của Luật Đầu tư công đã điều chỉnh;
+ Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan, đơn vị chủ trì thẩm định về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án. Nội dung thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư tương ứng với các nội dung quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 11 của Nghị định này đối với các nội dung đề nghị điều chỉnh;
+ Các tài liệu khác có liên quan (nếu có).
- Thời gian quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
+ Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 10 ngày làm việc;
+ Dự án nhóm A: Không quá 07 ngày làm việc;
+ Dự án nhóm B, C: Không quá 05 ngày làm việc.
- Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan, đơn vị chủ trì thẩm định việc điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án chịu trách nhiệm thẩm định các nội dung đề nghị điều chỉnh đề cập trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi điều chỉnh hoặc báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư, không chịu trách nhiệm về các nội dung đã được thẩm định, quyết định trước đó.
Bổ sung nguyên tắc xác định cấp công trình
Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 02/2025/TT-BXD ngày 31/3/2025 sửa đổi Thông tư 06/2021/TT-BXD quy định về phân cấp công trình xây dựng và hướng dẫn áp dụng trong quản lý hoạt động đầu tư xây dựng.
Trong đó, bổ sung nguyên tắc xác định cấp công trình như sau:
- Cấp công trình của công trình có kết cấu độc lập được đầu tư xây dựng mới và không thuộc dự án phân kỳ đầu tư của dự án đầu tư xây dựng có công trình hiện hữu được xác định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BXD .
- Trường hợp công trình thuộc dự án phân kỳ đầu tư thì sử dụng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 06/2021/TT-BXD tương ứng với giai đoạn hoàn chỉnh để xác định cấp công trình.
- Việc xác định cấp công trình của một số loại công trình được hướng dẫn tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 06/2021/TT-BXD .