Theo đó, ban hành Mẫu sổ nhật ký hành trình phương tiện thủy nội địa (Phụ lục I kèm theo Thông tư 33/2022/TT-BGTVT ) thay thế cho Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 39/2019/TT-BGTVT .
Nhật ký hành trình luôn được lưu giữ tại buồng điều khiển.
Thuyền trưởng hoặc thuyền phó đi ca có trách nhiệm tổ chức ghi chép đầy đủ, chính xác và rõ ràng các thông số vào các cột, mục quy định trong nhật ký và phải ghi bằng bút mực màu đen hoặc xanh, không được sửa chữa, tẩy xóa, nếu có nhầm lẫn thì gạch bỏ số liệu cũ, ghi số liệu mới và ký tên vào bên cạnh. Hàng ngày thuyền trưởng phải ký xác nhận nội dung nhật ký hành trình.
Khi phương tiện đang được khai thác hoặc bảo dưỡng, các số liệu sau đây phải được ghi vào nhật ký:
+ Thời gian đến, đi và mọi chi tiết liên quan đến hành trình của phương tiện;
+ Tình trạng hoạt động của phương tiện, đặc biệt là các thiết bị liên quan đến tốc độ kế, máy đo sâu, la bàn từ, ra đa, máy định vị vệ tinh;
+ Các hư hỏng, sự cố xảy ra trong ca trực, trong quá trình vận hành, khai thác cũng như trong các trường hợp bị tai nạn như đâm va, mắc cạn hay các sự cố khác. Thời gian diễn biến các vụ việc, các biện pháp khắc phục và xử lý;
+ Các công việc về bảo quản, bảo dưỡng và sửa chữa máy móc, thiết bị;
+ Khi thay ca, việc bàn giao giữa hai ca phải được ghi trong sổ nhật ký hành trình.
Thông tư 33/2022/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/02/2023.