Theo đó, tại Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, đối với định hướng ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng có 05 nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Cần tăng cường năng lực giám sát biến đổi khí hậu, dự báo, cảnh báo, hệ thống truyền tin cảnh báo sớm rủi ro trên biển và vùng ven biển để chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đến năm 2030, hiện đại hóa và kết nối thông suốt hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu.
- Trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cần nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi của hệ thống tự nhiên và xã hội vùng biển và ven biển, phát triển mô hình cộng đồng ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, giám sát tác động của biến đổi khí hậu đến các ngành kinh tế biển.
- Triển khai giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và các giải pháp dựa vào tự nhiên thông qua việc bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển và ven biển nhằm giảm thiểu thiệt hại do nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt, hạn hán và các tác động liên quan khác đối với vùng biển và ven biển.
- Trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo cần chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai và tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng sao cho phù hợp với từng ngành kinh tế biển, các vùng biển và ven biển.
- Rà soát và đổi mới công nghệ và hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo theo hướng giảm thiểu phát thải khí nhà kính theo cam kết của Việt Nam tại COP 26 về đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Xem chi tiết nội dung tại Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 03/04/2023.