Theo đó, căn cứ vào tình hình và nguyên nhân xảy ra TNLĐ trong năm 2022, để chủ động phòng ngừa và hạn chế TNLĐ trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị triển khai thực hiện tốt các nội dung chủ yếu sau:
- Các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ); phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng.
- Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê TNLĐ tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 và Điều 25 Nghị định 39/2016/NĐ-CP .
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương:
+ Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp.
+ Thực hiện báo cáo TNLĐ theo Luật An toàn, vệ sinh lao động.
+ Tăng cường tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về ATVSLĐ phù hợp với từng lĩnh vực và ngành nghề, ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
+ Tăng cường tổ chức điều tra TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.
+ Tăng cường triển khai công tác phòng ngừa TNLĐ với sự hỗ trợ từ quỹ bảo hiểm xã hội về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH.
+ Tổ chức, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thống kê, báo cáo TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động; lập biên bản ghi nhận TNLĐ đối với người làm việc không theo hợp đồng lao động.
- Các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác:
+ ATVSLĐ, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập.
+ Tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam:
+ Tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc.
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn, vệ sinh lao động cho các hội viên.
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các hội nghề nghiệp:
+ Tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động, hội viên chấp hành tốt các nội quy, quy trình làm việc an toàn.
+ Sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động nhằm hạn chế đến mức thấp nhất TNLĐ, đảm bảo an toàn, sức khỏe và tính mạng cho người lao động.
Thông báo 1229/TB-LĐTBXH năm 2023 có hiệu lực từ ngày 07/4/2023.