Theo đó, với tinh thần quyết tâm hơn nữa để hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2023, mà mục tiêu cụ thể là phải giảm tỷ lệ chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN xuống mức thấp nhất, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh triển khai hiệu quả một số nội dung sau:
- Bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, cấp ủy chính quyền địa phương triển khai hiệu quả kịch bản phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Thường xuyên báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT của tỉnh tình hình thực hiện đóng BHXH của các đơn vị trên địa bàn; chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành và xử lý đơn vị vi phạm việc đóng BHXH theo quy định của pháp luật.
- Triển khai linh hoạt làm việc với các đơn vị chậm đóng BHXH như gửi thông báo đôn đốc, trực tiếp làm việc tập trung hoặc tổ chức theo hội nghị khách hàng, tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra...; công khai thông tin dự kiến kiểm tra, thanh tra, chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố đến cơ quan điều tra đối với các đơn vị chậm đóng.
- Phối hợp với cơ quan thông tấn báo chí, biểu dương đơn vị chấp hành tốt nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN đồng thời công khai danh sách các doanh nghiệp chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Đề xuất các cấp có thẩm quyền không khen thưởng, vinh danh đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN.
- Phân công lãnh đạo, trưng tập công chức, viên chức đôn đốc, theo dõi các đơn vị sử dụng lao động trong việc đóng BHXH, BHYT, BHTN. Từ ngày 15/12/2023, trước 18h30 hàng ngày đánh giá kết quả việc thực hiện và báo cáo kết quả về BHXH Việt Nam (theo mẫu đính kèm).
Xem thêm chi tiết tại Công văn 4208/BHXH-TST ban hành ngày 13/12/2023.