Hiện hành, Luật Tiếp công dân mới nhất 2025 là Luật Tiếp công dân 2013.
Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 141/2025/NĐ-CP quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực quản lý Nhà nước của Thanh tra Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 đến hết ngày 01/3/2027), trong đó có điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc tiếp công dân.
Luật Tiếp công dân 2013 quy định về trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân.
**Tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân quy định tại Điều 4 Luật Tiếp công dân 2013 đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật.
Luật Tiếp công dân mới nhất 2025 và văn bản hướng dẫn Luật Tiếp công dân
Dưới đây là tổng hợp văn bản hướng dẫn Luật Tiếp công dân mới nhất 2025:
- Nghị định 64/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Tiếp công dân
- Thông tư 04/2021/TT-TTCP quy định về quy trình tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành
- Nghị quyết 759/2014/UBTVQH13 quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành
Tại Điều 3 Nghị định 141/2025/NĐ-CP quy định thẩm quyền tiếp công dân mới nhất như sau:
(1) Việc tiếp công dân ở cấp xã sau sắp xếp được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Tiếp công dân 2013, khoản (2) và quy định của pháp luật có liên quan.
(2) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phân công đơn vị, công chức có chuyên môn phù hợp thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tham mưu, thực hiện việc tiếp công dân cùng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tại các buổi tiếp công dân định kỳ và đột xuất;
- Giải thích, hướng dẫn công dân thực hiện việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đúng trình tự, thủ tục, đúng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; yêu cầu công dân chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã được cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách pháp luật;
- Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
- Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
- Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân thuộc phạm vi trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Nội dung trên được hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư 02/2025/TT-TTCP như sau:
Điều 3. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân ở cấp xã 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tiếp công dân ở cấp xã theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 141/2025/NĐ-CP ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Thanh tra Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan. 2. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện một số nhiệm vụ sau: a) Phân công người tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã; b) Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân định kỳ, đột xuất theo quy định; c) Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định; d) Tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn tại cấp xã; báo cáo định kỳ và đột xuất với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. 3. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc phối hợp với Văn phòng Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã và cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện việc tiếp công dân tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã. 4. Trường hợp vụ việc đông người, phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn thì Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã kịp thời báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo xử lý. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Ban tiếp công dân cấp tỉnh và các cơ quan chức năng hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã xử lý kịp thời. |