Sẽ mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thuộc dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

15/05/2024 16:30 PM

Cho hỏi khi nào mới mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thuộc dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây vì đoạn cao tốc này thường xuyên ùn tắc? – Công Hoan (Đồng Nai)

 Sẽ mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thuộc dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

 Sẽ mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thuộc dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (Hình từ internet)

Sẽ mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thuộc dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây

Văn phòng Chính phủ có Thông báo 200/TB-VPCP ngày 05/5/2024, trong đó có nêu kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về Phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc Họp xem xét Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về Phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Sau khi nghe báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VEC và ý kiến phát biểu của các cơ quan dự họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kết luận như sau:

- Việc mở rộng đoạn TPHCM - Long Thành thuộc Dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là vấn đề cấp thiết để đồng bộ các công trình hạ tầng giao thông trong khu vực theo quy hoạch như hệ thống đường kết nối nối vùng, đường cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, cảng biển,...

- Để có cơ sở xem xét, quyết định việc giao VEC làm chủ đầu tư, trước mắt, đồng ý giao VEC lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định. Trong đó, lưu ý một số vấn đề sau:

+ Nghiên cứu phương án nguồn vốn hỗn hợp: VEC thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư công trình; ngân sách Trung ương và Ngân sách địa phương thực hiện giải phóng mặt bằng theo hình thức đầu tư công.

+ Quy mô đầu tư cần thực hiện theo đúng quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Khẳng định rõ 3 vấn đề để bảo đảm an toàn, khả thi về phương án tài chính,

gồm: tăng vốn điều lệ cho VEC; khoanh và lùi trả gốc, lãi liên quan đến trái phiếu

Bộ Tài chính đã ứng trả nợ; hòa chung dòng tiền 05 dự án do VEC làm chủ đầu tư

+ Trong dự án đầu tư làm rõ mối quan hệ của phương án tài chính đối với 4 dự án còn lại.

+ Làm rõ trình tự, thủ tục trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đối với từng nội dung theo đúng quy định của pháp luật.

- Giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo VEC trong thời gian tối đa 3 tháng phải hoàn thành các nội dung là điều kiện để xem xét giao VEC làm chủ đầu tư; trong thời gian tối đa 6 tháng phải hoàn thành, trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

- Giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thành các nội dung điều kiện nêu trên của VEC bảo đảm yêu cầu tiến độ, kịp thời báo cáo đề xuất ngay Phó Thủ tướng các vướng mắc, chậm trễ, không khả thi, không bảo đảm tiến độ và phương án triển khai. Tuyệt đối không để việc vướng mắc trong xử lý các vấn đề của VEC làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Dự án cao tốc TPHCM -Long Thành - Dầu Giây giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ ngày 30/6/2016 với tổng chiều dài 55 km, trong đó phân đoạn TPHCM - Long Thành là 25,92 km.

Từ khi đưa vào khai thác, lưu lượng phương tiện tham gia trên đoạn cao tốc TPHCM - Long Thành (Km 00 đến Km 25+920) liên tục tăng cao, dự kiến năm 2025 vượt 25% năng lực thông hành với 4 làn xe hiện hữu, thường xuyên xảy ra ùn tắc khiến nhiều người ngán ngẫm mong muốn sớm được mở rộng đoạn cao tốc này

Như vậy, đến nay vẫn chưa có thời gian khởi công thực hiện dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành do đang trong thời gian xem xét, quyết định chủ đầu tư dự án, dự kiến phải mất khoảng vài tháng tới thì mới có thể có quyết định xem liệu VEC có được làm chủ đầu tư dự án hay không, đến lúc đó mới có thể có được thời gian sẽ khởi công dự án chính thức.

Quy chuẩn đường bộ cao tốc mới nhất hiện nay

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT được ban hành kèm Thông tư 06/2024/TT-BGTVT  về đường bộ cao tốc, tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp, tối đa 120 km/h; quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy.

* Tốc độ thiết kế đường bộ cao tốc được phân làm 3 cấp như sau:

- Cấp 120 có tốc độ thiết kế là 120 km/h;

- Cấp 100 có tốc độ thiết kế là 100 km/h;

- Cấp 80 có tốc độ thiết kế là 80 km/h;

Đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60 km/h.

(Tại tiểu mục 1.3 Mục 1 QCVN 115:2024/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BGTV)

* Quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy

Đường bộ cao tốc có quy mô tối thiểu 4 làn xe chạy (2 làn xe cho mỗi chiều), có làn dừng xe khẩn cấp được bố trí liên tục (trừ các vị trí: Qua cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên; hầm; có bố trí làn tăng, giảm tốc; làn phụ leo dốc).

Các công trình gắn với đường bộ cao tốc bao gồm: Trung tâm quản lý, điều hành giao thông tuyến; trạm dừng nghỉ; hệ thống thu phí điện tử không dừng đối với tuyến đường có thu phí; trạm kiểm tra tải trọng xe; hàng rào bảo vệ.

* Mặt cắt ngang đường bộ cao tốc

Số làn xe chạy được xác định trên cơ sở lưu lượng xe thiết kế, nhưng không ít hơn 2 làn xe cho mỗi chiều. Chiều rộng làn xe chạy tối thiểu 3,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 3,50 m đối với đường cấp 80.

Làn dừng xe khẩn cấp có chiều rộng tối thiểu 3 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 2,50 m đối với đường cấp 80.

Trên đường bộ cao tốc có thể có những đoạn áp dụng cấp khác nhau, nhưng đoạn này phải dài từ 15 km trở lên và tốc độ thiết kế của hai đoạn liên tiếp không được chênh nhau quá 20 km/h. Trường hợp đường bộ cao tốc áp dụng cấp tốc độ thiết kế quá một cấp (20 km/h), phải có một đoạn quá độ dài ít nhất 2 km có cấp tốc độ thiết kế trung gian.

Liên quan đến dải giữa đường cao tốc, quy chuẩn quy định phải bố trí dải giữa (gồm dải phân cách giữa và dải an toàn ở hai bên của dải phân cách giữa) để phân chia hai chiều xe chạy đối với trường hợp mặt cắt ngang đường cao tốc được bố trí trên cùng một nền đường. Chiều rộng của dải an toàn tối thiểu là 0,75 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,50 m đối với đường cấp 80. Dải phân cách giữa được thiết kế để bảo đảm an toàn.

Trường hợp 2 chiều xe chạy được bố trí trên 2 nền đường riêng biệt không có dải giữa, phía bên trái theo chiều xe chạy bố trí dải an toàn và lề đất. Dải an toàn có chiều rộng tối thiểu 1 m đối với đường cấp 120, cấp 100 và tối thiểu 0,75 m đối với đường cấp 80.

(Tại tiểu mục 2.2 Mục 2 QCVN 115:2024/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BGTVT )

* Mặt cắt ngang cầu và hầm trên đường bộ cao tốc

Mặt cắt ngang cầu và hầm trên đường bộ cao tốc, các cầu trên đường bộ cao tốc bố trí đủ các yếu tố mặt cắt ngang như của tuyến chính. Đối với các cầu có khẩu độ nhịp từ 150 m trở lên; cầu có trụ cao từ 50 m trở lên khi không bố trí làn dừng khẩn cấp, phải bố trí đoạn chuyển tiếp từ mặt cắt đường vào phần cầu bị thu hẹp.

Mặt cắt ngang hầm trên đường bộ cao tốc có mặt cắt ngang hầm bảo đảm chiều rộng để bố trí đầy đủ các yếu tố mặt cắt ngang như của tuyến chính và phần dành cho người đi bộ (phục vụ công tác bảo trì và thoát hiểm trong trường hợp khẩn cấp).

Trường hợp các hầm không bố trí làn dừng xe khẩn cấp phải bố trí dải an toàn, chiều rộng của dải an toàn theo cấp tốc độ thiết kế của đường bộ cao tốc. Đối với hầm dài từ 1.000 m trở lên khi không bố trí làn dừng khẩn cấp phải bố trí vị trí dừng xe khẩn cấp có chiều dài tối thiểu 30 m cách nhau tối đa 500 m, bề rộng vị trí dừng xe khẩn cấp theo cấp tốc độ thiết kế của đường bộ cao tốc.

Bên cạnh đó, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 115:2024/BGTVT về đường bộ cao tốc, quy định đối với chiều cao tĩnh không của đường bộ cao tốc tối thiểu 5 m.

(Tại tiểu mục 2.3 Mục 2 QCVN 115:2024/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BGTVT )

* Nền, mặt đường đường bộ cao tốc

Nền đường phải bảo đảm ổn định, duy trì được các kích thước hình học, có đủ cường độ để chịu được các tác động của tải trọng xe và các yếu tố thiên nhiên trong suốt thời gian sử dụng.

Nền đường phải tính toán, thiết kế xây dựng dựa trên các số liệu khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn.

Mặt đường phải được thiết kế, xây dựng bảo đảm các yêu cầu về cường độ, tính bền vững, độ nhám, độ bằng phẳng và khả năng thoát nước.

(Tại tiểu mục 2.8 Mục 2 QCVN 115:2024/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 06/2024/TT-BGTVT)

**Để giúp mọi người thuận tiện trong việc tra cứu các mức phạt vi phạm giao thông, 

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã cho ra đời iThong – App tra cứu mức phạt giao thông:

Tải về App iThong trên Android TẠI ĐÂY

Tải về App iThong trên iOS TẠI ĐÂY

Hoặc Quét mã QR dưới đây:

Lê Nguyễn Anh Hào

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,308

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079