Vừa qua, Bộ Y tế có Công văn 4766/BYT-VPB năm 2025 trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về chính sách chăm sóc, điều dưỡng hàng năm đối với các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp xã từ 65 tuổi trở lên.
Theo đó, cử tri tỉnh Thái Nguyên (trước đây là kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn) có kiến nghị: “Đề nghị nghiên cứu, xem xét có chính sách chăm sóc, điều dưỡng hàng năm đối với các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp xã từ 65 tuổi trở lên ”.
Sau khi nghiên cứu nội dung kiến nghị và rà soát các văn bản liên quan, Bộ Y tế trả lời như sau:
Hiện nay, pháp luật đã có quy định về chế độ điều dưỡng, phục hồi sức khỏe đối với người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ; các cán bộ lãnh đạo cấp cao được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; chính sách chăm sóc, điều dưỡng hằng năm cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ quân đội nghỉ hưu.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại Thông báo 176-TB/VPTW ngày 25/4/2025 về đánh giá kết quả về chăm sóc sức khỏe nhân dân và định hướng công tác thời gian tới:
“Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cần hướng đến mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam khỏe mạnh, mọi người dân đều được sống lâu, sống khỏe, sống lành mạnh, sống hạnh phúc”.
Bộ Y tế là đầu mối đang tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan xây dựng Dự thảo để báo cáo Chính phủ trình ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị “về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”; trong đó, sẽ triển khai thực hiện khám sức khỏe định kỳ hằng năm cho người dân, bao gồm cả người cao tuổi và các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp xã từ 65 tuổi trở lên sẽ có chính sách chăm sóc sức khoẻ phù hợp với giai đoạn hiện nay của đất nước.
Nội dung này được đề cập tại Thông báo 176-TB/VPTW năm 2025 kết luận của đồng chí Tổng bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với đại diện Đảng ủy Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương về đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết của Trung ương về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân và định hướng công tác thời gian tới do Văn phòng Ban Chấp hành Trung ương ban hành.
2.2. Về định hướng một số chủ trương cụ thể thực hiện ngay (1) Đảng ủy Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế và các bộ, ngành Trung ương khẩn trương nghiên cứu, triển khai kiện toàn hệ thống tổ chức ngành Y tế từ Trung ương tới cơ sở phù hợp với mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, gắn với mô hình phân tầng kỹ thuật y tế rõ ràng, hiệu quả, bảo đảm tính kế thừa, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cấp chuyên môn. Đặc biệt quan tâm củng cố, nâng cao năng lực y tế cơ sở, đây là tuyến y tế gần dân nhất, đóng vai trò "gác cửa" của hệ thống y tế, cần được củng cố toàn diện, bảo đảm chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng, quản lý bệnh mãn tính, phát hiện sớm và điều trị ban đầu, khám sức khỏe định kỳ, cập nhật sử dụng hồ sơ sức khỏe điện tử... Hệ thống y tế cơ sở phải mạnh lên, đủ năng lực, đủ con người, đủ công nghệ, phải là nơi người dân đặt niềm tin. Chỉ như vậy mới có thể thực hiện được việc chăm sóc sức khỏe toàn dân một cách bền vững, công bằng và hiệu quả. (2) Thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ cho Nhân dân ít nhất mỗi năm một lần. Giao Đảng ủy Bộ Y tế xây dựng Đề án cụ thể báo cáo Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian sớm nhất, những vấn đề vượt thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị để chỉ đạo. (3) Giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng Đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035. Rà soát lại các chương trình, kế hoạch, đề án liên quan đến chăm sóc sức khỏe nhân dân để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Chỉ đạo Đảng ủy Bộ Y tế khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe, dân số và phát triển giai đoạn 2026 - 2035, trình Quốc hội khoá XV thông qua (tại Kỳ họp thứ 10). (4) Đẩy nhanh tiến độ các nhiệm vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, sớm hoàn thành sổ sức khỏe điện tử trên toàn quốc, triển khai bệnh án điện tử, kết nối đồng bộ dữ liệu sức khỏe; chia sẻ, công nhận và sử dụng kết quả khám, điều trị giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, giữa các ngành, các cấp... Bộ Y tế nghiên cứu, đánh giá Đề án về mô hình cơ sở dữ liệu số tích hợp quá trình phát triển của từng cá nhân để triển khai thực hiện nếu phù hợp và hiệu quả. (5) Giao Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIV của Đảng rà soát, bổ sung, nhấn mạnh các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIV (thực hiện cùng với quá trình tiếp thu ý kiến của đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030). (6) Giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch tuyên truyền một cách kiên trì, bài bản, phổ cập lối sống có lợi cho sức khỏe; xây dựng văn hoá sức khỏe trong nhân dân. Một xã hội khỏe mạnh không thể chỉ trông chờ vào bác sĩ. Phòng bệnh phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân. Những yếu tố cơ bản của văn hoá lành mạnh đó là: Ăn uống lành mạnh, vận động thường xuyên, thể dục, thể thao, khám sức khỏe định kỳ; nói không với rượu bia, thuốc lá, chất kích thích; chăm sóc sức khỏe tinh thần, sống tích cực, yêu thương và chia sẻ... Đây chính là nền tảng cho một Việt Nam khỏe mạnh hơn trong tương lai. |