Đã có Nghị định 170/2025/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (Hình từ Internet)
Ngày 30/6/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 170/2025/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
![]() |
Nghị định 170/2025/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức |
Theo đó, tại Nghị định 170/2025/NĐ-CP thì Chính phủ đã quy định về tuyển dụng sử dụng và quản lý công chức với một số nội dung như sau:
(1) Căn cứ tuyển dụng công chức
- Việc tuyển dụng công chức phải căn cứ vào tỷ lệ công chức cần bố trí theo vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế và yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển.
- Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng xây dựng kế hoạch tuyển dụng, quyết định tuyển dụng theo thẩm quyền. Nội dung kế hoạch tuyển dụng bao gồm:
+ Số lượng biên chế được giao và số lượng biên chế chưa sử dụng của cơ quan sử dụng công chức; yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển;
+ Tỷ lệ công chức cần bố trí theo từng vị trí việc làm trong cơ quan sử dụng công chức và số lượng biên chế cần tuyển ở từng vị trí việc làm, trong đó xác định vị trí việc làm được tuyển dụng chung cho nhiều cơ quan sử dụng công chức khác nhau (nếu có);
+ Số lượng biên chế, vị trí việc làm tuyển dụng riêng đối với người dân tộc thiểu số (nếu có), trong đó xác định cụ thể chỉ tiêu, cơ cấu dân tộc cần tuyển;
+ Số lượng biên chế, vị trí việc làm thực hiện xét tuyển (nếu có) đối với từng nhóm đối tượng;
+ Tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự tuyển ở từng vị trí việc làm.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định tổ chức thi ngoại ngữ thì xác định rõ ngoại ngữ thì, nội dung, hình thức, thời gian thi, xác định điểm số đạt kết quả;
+ Phương thức tuyển dụng (thi tuyển, xét tuyển); trường hợp tổ chức thi tuyển thì xác định cụ thể hình thức tổ chức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành;
+ Các nội dung khác (nếu có).
(2) Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức
Điều kiện đăng ký dự tuyển công chức thực hiện theo quy định tại Điều 19 Luật Cán bộ công chức 2025. Cơ quan sử dụng công chức xác định các điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm dự tuyển quy định tại điểm e khoản 1 Điều 19 Luật Cán bộ công chức 2025, nhưng không thấp hơn các tiêu chuẩn chung, không được trái với quy định của pháp luật, không được phân biệt loại hình đào tạo và báo cáo bằng văn bản để cơ quan quản lý công chức xem xét, quyết định.
(3) Các trường hợp thực hiện xét tuyển công chức
Việc tuyển dụng công chức thông qua hình thức xét tuyển do cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng quyết định và được thực hiện riêng đối với từng nhóm đối tượng sau đây:
- Người cam kết tình nguyện làm việc từ đủ 05 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật Giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học.
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng thuộc đối tượng thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng.
Lưu ý:
Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
- Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng vào vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, ở cấp tỉnh, ở cấp xã; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an; trong tổ chức cơ yếu mà không phải là người làm công tác cơ yếu, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
(Theo Điều 1 Luật Cán bộ công chức 2025)
Xem thêm tại Nghị định 170/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2025.