Đã có Luật sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2025 Luật số 83/2025/QH15 (Hình từ Internet)
Luật sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2025 Luật số 83/2025/QH15 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp lần thứ 9 thông qua ngày 24/6/2025.
![]() |
Luật sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2025 Luật số 83/2025/QH15 |
Theo đó, tại Luật sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2025 Luật số 83/2025/QH15 thì Quốc hội đã sửa đổi một số quy định về các tổ chức bầu cử tại địa phương như sau:
(1) Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương
- Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố, Ủy ban bầu cử ở xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử).
- Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã (sau đây gọi chung là Ban bầu cử).
- Tổ bầu cử.
(2) Việc thành lập, cơ cấu, thành phần của Ủy ban bầu cử
- Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở tỉnh) để thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tại tỉnh, thành phố.
Ủy ban bầu cử ở tỉnh có từ hai mươi ba đến ba mươi bảy thành viên gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Danh sách Ủy ban bầu cử ở tỉnh phải được gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
- Chậm nhất là 105 ngày trước ngày bầu cử, Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp quyết định thành lập Ủy ban bầu cử ở xã, phường, đặc khu (sau đây gọi chung là Ủy ban bầu cử ở xã) để tổ chức bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Ủy ban bầu cử ở xã có từ chín đến mười bảy thành viên. Thành viên Ủy ban bầu cử ở xã gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.
Danh sách Ủy ban bầu cử ở xã phải được gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Lưu ý: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. (Theo Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2015)
Xem thêm tại Luật sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân 2025 Luật số 83/2025/QH15 có hiệu lực từ 01/7/2025.