Chi tiết bộ tiêu chí KPI 100 điểm đánh giá công chức do Bộ Nội vụ đề xuất (Hình từ Internet)
Theo đó, dự thảo Nghị định về đánh giá xếp loại chất lượng công chức do Bộ Nội vụ soạn thảo đang gửi lấy ý kiến kèm theo biểu mẫu phiếu theo dõi, đánh giá công chức, phiếu xếp loại công chức và Hướng dẫn các bước lập danh mục, sản phẩm công việc, xác định sản phẩm/công việc chuẩn và quy đổi nhiệm vụ được giao ra sản phẩm/công việc chuẩn.
Cụ thể, bộ tiêu chí KPI 100 điểm đánh giá công chức do Bộ Nội vụ đề xuất có một số nội dung như sau:
- Nhóm I (30 điểm) đo phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và ý thức kỷ luật. Các chỉ dấu cụ thể gồm: Không tham ô, tham nhũng; đoàn kết nội bộ; thực hiện văn hoá công vụ; kê khai tài sản, thu nhập trung thực; chấp hành phân công và quy định của cơ quan. Điểm số ở nhóm này phản ánh mức độ liêm chính và thái độ phục vụ của người giữ chức vụ công.
- Nhóm II (30 điểm) chấm năng lực chuyên môn và trách nhiệm thực thi nhiệm vụ. Dự thảo yêu cầu công chức sở hữu kiến thức chuyên sâu, thường xuyên cập nhật cái mới, làm việc độc lập, ứng dụng công nghệ, chủ động đề xuất sáng kiến trong phạm vi chuyên môn. Phiếu đánh giá còn đo mức hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với các vị trí thường xuyên tiếp xúc.
- Nhóm III (40 điểm) hướng tới năng lực đổi mới và tinh thần tiên phong. Công chức phải có sản phẩm, giải pháp đột phá; sẵn sàng nhận việc khó, phức tạp; chịu trách nhiệm đến cùng về kết quả; chủ động quyết định trong thẩm quyền và tiên phong thực hiện nhiệm vụ mới. Đây là nhóm điểm "nặng" nhất, chiếm 40% tổng thang, nhằm khuyến khích tư duy dám nghĩ - dám làm.
Nghị định về đánh giá xếp loại chất lượng công chức nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc rà soát, ban hành hoặc bổ sung danh mục sản phẩm chuẩn khi phát sinh nhiệm vụ mới, đồng thời lưu trữ hồ sơ quy đổi để phục vụ giám sát.
Nghị định về đánh giá xếp loại chất lượng công chức đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến rộng rãi.
>>> Xem thêm: Thông tin về Nghị định đánh giá xếp loại chất lượng công chức, đánh giá bằng KPI
>>> Xem thêm: Bộ Nội vụ đề xuất bộ tiêu chí KPI 100 điểm để đánh giá công chức
Quy định về đánh giá công chức từ 01/7/2025
Theo đó, việc đánh giá công chức từ 01/7/2025 được thực hiện theo quy định tại Điều 25 Luật Cán bộ công chức 2025 với nội dung như sau:
- Nguyên tắc thực hiện đánh giá:
+ Việc đánh giá phải bảo đảm dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, khách quan, xuyên suốt, liên tục, đa chiều;
+ Nội dung đánh giá phải được định lượng tối đa về tiến độ, chất lượng hiệu quả gắn với vị trí việc làm;
+ Ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong theo dõi, đánh giá, xếp loại chất lượng công chức.
- Thẩm quyền đánh giá:
+ Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng công chức có trách nhiệm đánh giá công chức thuộc quyền;
+ Việc đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện.
- Phương thức đánh giá:
+ Theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo từng vị trí việc làm;
+ Đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm.
- Nội dung đánh giá:
+ Phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, văn hóa công vụ; ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; việc chấp hành quy định của pháp luật về công chức, công vụ và quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
+ Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm; khả năng đáp ứng yêu cầu thực thi nhiệm vụ được giao thường xuyên, đột xuất; tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp đối với các vị trí việc làm tiếp xúc trực tiếp với người dân, doanh nghiệp; khả năng phối hợp với đồng nghiệp;
+ Năng lực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực thi công vụ;
+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ thông qua số lượng, chất lượng và tiến độ của sản phẩm theo vị trí việc làm;
+ Nội dung khác theo yêu cầu của vị trí việc làm.
Ngoài các nội dung nêu trên, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc lĩnh vực được giao lãnh đạo, quản lý, phụ trách; khả năng tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ; năng lực tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý.
Trên đây là nội dung về “Chi tiết bộ tiêu chí KPI 100 điểm đánh giá công chức do Bộ Nội vụ đề xuất”