Đã có Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo 2025 số 93/2025/QH15 (Hình từ internet)
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 2025 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 14/6/2025 (Luật số 93/2025/QH15).
![]() |
Luật số 93/2025/QH15 |
Theo đó, Luật này quy định về hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cơ quan, tổ chức, cá nhân; chính sách, biện pháp bảo đảm phát triển khoa học, công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trường hợp Luật này có quy định khác với luật, nghị quyết khác của Quốc hội về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì áp dụng quy định của Luật này, trừ trường hợp luật, nghị quyết khác của Quốc hội có quy định cơ chế, chính sách ưu tiên, ưu đãi hoặc thuận lợi hơn thì Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế, chính sách đó.
Về nguyên tắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được quy định như sau:
- Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và dự báo xu hướng phát triển; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, tôn trọng quyền con người.
- Nghiên cứu trong lĩnh vực y tế, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo và lĩnh vực khác liên quan trực tiếp đến con người phải bảo đảm tuân thủ quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và bảo đảm việc phát triển, ứng dụng công nghệ luôn đặt dưới sự giám sát, kiểm soát của con người.
- Bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo; đề cao, tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu chuyên môn, tính trung thực, khách quan và tinh thần trách nhiệm trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
- Phát triển hệ thống tiêu chuẩn làm nền tảng thiết lập chuẩn mực trình độ công nghệ, định hướng nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ, tạo cơ sở cho việc ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế -xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người; hỗ trợ đăng ký, bảo hộ, quản lý, khai thác quyền sở hữu trí tuệ; thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo.
- Nhà nước quản lý hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chủ yếu theo nguyên tắc hậu kiểm, tập trung đánh giá kết quả thực hiện, không can thiệp vào phương pháp, quy trình thực hiện; bảo đảm quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Trường hợp cần thiết, được áp dụng nguyên tắc tiền kiểm nhưng bảo đảm không gây cản trở hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Xem chi tiết Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo 2025 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/10/2025, trừ các điều 15, 61, 62, 63, 64, 65 và 66 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025.
Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 28/2018/QH14 và Luật số 07/2022/QH15 (sau đây gọi chung là Luật Khoa học và Công nghệ số 29/2013/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 6, 8 và 9 Điều 73 của Luật này.