Đã có dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (Ảnh 01 phần văn bản)
![]() |
dự thảo Luật |
Theo đó, dự thảo Luật đề xuất nguyên tắc tiết kiệm, chống lãng phí như sau:
- Tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, thanh tra, giám sát.
- Tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện ngay từ khâu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực thuộc phạm vi tiết kiệm, chống lãng phí, cơ quan chủ trì lập đề xuất chính sách, soạn thảo văn bản phải xác định cụ thể các biện pháp chống lãng phí, đánh giá tác động và nêu rõ tại các Tờ trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, ban hành văn bản. Việc theo dõi, đánh giá hiệu quả pháp luật về tiết kiệm, chống lãng phí phải được thường xuyên thực hiện nhằm kịp thời phát hiện những điểm nghẽn, nút thắt và đề xuất giải pháp, đảm bảo đồng bộ, thống nhất với chủ trương, đường lối của Đảng.
- Tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và các quy định pháp luật có liên quan.
- Tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm đạt được mục tiêu đã định, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
- Thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức để tiết kiệm, chống lãng phí.
- Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân trong việc tiết kiệm, chống lãng phí.
- Nội dung về tiết kiệm, chống lãng phí phải được đưa vào nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khu vực nhà nước. Khuyến khích đưa nội dung tiết kiệm, chống lãng phí vào điều lệ, nội quy, quy chế, quy định của tổ chức, doanh nghiệp; hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
- Bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
- Giữ gìn thuần phong, mỹ tục, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh phù hợp với hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; tránh lãng phí làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng; không làm cản trở giao thông và các hoạt động công cộng, gây mất trật tự, an ninh xã hội, gây ô nhiễm môi trường.
- Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Ngoài ra, dự thảo Luật còn đề xuất chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí như sau:
- Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí là kế hoạch tổng thể do Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm định hướng và triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của quốc gia.
- Nội dung chủ yếu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí bao gồm:
+ Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nguyên tắc thực hiện.
+Nhiệm vụ, giải pháp theo các lĩnh vực trọng tâm về phòng, chống lãng phí.
+ Lộ trình thực hiện, trong đó cần xác định được mục tiêu cần đạt theo từng giai đoạn cụ thể.
+Trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống lãng phí.
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.
Xem chi tiết tại dự thảo Luật Tiết kiệm, chống lãng phí.
Nguyễn Thị ỹ Quyền