Chi tiết 02 phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh dự kiến thông qua vào tháng 10/2025 (Hình từ Internet)
Tại Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất 02 phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh gồm:
(1) Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng CPI theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13
(2) Điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người
Chi tiết 02 phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh theo đề xuất của Bộ như sau:
(theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13)
Theo số liệu của Cục Thống kê thì chỉ số CPI từ năm 2020 đến nay, trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết năm 2025, chỉ số CPI lũy kế dự kiến tăng 21,24% thì có thể xem xét để điều chỉnh tương ứng với mức tăng của chỉ số CPI, cụ thể như sau:
- Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 13,3 triệu đồng/tháng.
- Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên 5,3 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh mức mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và cho mỗi người phụ thuộc theo biến động của chỉ số CPI theo đúng quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, bám sát phương diện cơ sở áp dụng các khoản giảm trừ theo nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và mức độ trượt giá từ thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất (năm 2020).
Căn cứ theo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và GDP bình quân đầu người năm 2025 so với năm 2020 theo số liệu của Cục Thống kê thì mức giảm trừ gia cảnh có thể điều chỉnh như sau:
- Mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 11 triệu đồng/tháng lên khoảng 15,5 triệu/tháng.
- Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc tăng từ 4,4 triệu đồng/tháng lên khoảng 6,2 triệu đồng/tháng.
Theo Bộ Tài chính, Việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo tốc độ tăng GDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế ở mức cao hơn, người dẫn được hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống xã hội được nâng lên. Thực hiện phương án này sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước ở mức cao hơn. Tuy nhiên, mức giảm trừ gia cảnh cao hơn, đồng nghĩa với số thuế phải nộp ít đi, thu nhập khả dụng của người dân sẽ tăng lên, qua đó, sẽ góp phần kích thích tăng chi tiêu hộ gia đình, tiêu dùng xã hội và cải thiện đời sống của người dân, qua đó có thể gián tiếp làm tăng thu ngân sách nhà nước từ các nguồn thu khác trong trung và dài hạn.
Với mức giảm trừ dự kiến, những người có thu nhập thấp hơn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước từ thuế thu nhập cá nhân trong một số năm đầu. Số giảm thu ngân sách nhà nước có thể được bù đắp một phần từ số tăng thu của các sắc thuế tiễu dùng khác do thu nhập khả dụng của người nộp thuế tăng.
Trên đây là chi tiết 02 phương án tăng mức giảm trừ gia cảnh theo Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.
Dự kiến quy định về giảm trừ gia cảnh tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân
Tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007, Bộ Tài chính đề xuất quy định về giảm trừ gia cảnh tại Điều 11 như sau:
- Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm: giảm trừ đối với người nộp thuế và giảm trừ đối với người phụ thuộc.
Giao Chính phủ quy định mức giảm trừ gia cảnh tại khoản này phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
- Việc xác định mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc thực hiện theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc chi được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế.
- Người phụ thuộc là người mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng, bao gồm:
+ Con chưa thành niên; con bị tàn tật, không có khả năng lao động;
+ Các cá nhân không có thu nhập hoặc có thu nhập không vượt quá mức do Bộ Tài chính quy định, bao gồm con thành niên đang học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp hoặc học nghề; vợ hoặc chồng không có khả năng lao động; bố, mẹ đã hết tuổi lao động hoặc không có khả năng lao động; những người khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Xem thêm tại Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân thay thế Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.