Xét tuyển học bạ 2025: Những điều cần lưu ý (Hình từ internet)
Theo khoản 3 Điều 6 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT) thì đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn (điểm tổng kết các môn học cấp THPT, điểm thi các môn tốt nghiệp THPT và các kết quả đánh giá khác).
- Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%; từ năm 2026 số môn chung của các tổ hợp phải đóng góp ít nhất 50% trọng số tính điểm xét;
- Đối với các chứng chỉ ngoại ngữ được dùng để miễn thi tốt nghiệp THPT theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành, cơ sở đào tạo được quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ để đưa vào tổ hợp môn xét tuyển với trọng số tính điểm xét không vượt quá 50%;
- Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.
Như vậy, theo quy định nêu trên có thể thấy có 2 hình thức xét tuyển học bạ 2025 bao gồm:
- Hình thức 1: Xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổng điểm tổ hợp 3 môn
Tổ hợp môn dùng để xét tuyển bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn toán hoặc ngữ văn với trọng số tính điểm xét không dưới 25%.
- Hình thức 2: Xét tuyển học bạ theo điểm trung bình cả năm lớp 12
Trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp THPT để xét tuyển thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh với trọng số tính điểm xét không dưới 25%
Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ đại học 2025 cần đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Đã được công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của Việt Nam hoặc có bằng tốt nghiệp của nước ngoài được công nhận trình độ tương đương.
(2) Có đủ sức khỏe để học tập theo quy định hiện hành;
(3) Có đủ thông tin cá nhân, hồ sơ dự tuyển theo quy định;
(4) Đạt ngưỡng đầu vào theo quy định.
(Điều 5 Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT)
Thông thường, mỗi trường đại học, cao đẳng sẽ có quy định riêng về hồ sơ xét tuyển học bạ. Tuy nhiên, khi xét tuyển học bạ thì đa số sẽ chuẩn bị một số hồ sơ, bao gồm:
- Đơn đăng ký xét tuyển (Có mẫu của từng trường)
- Bản photo học bạ công chứng
- Bằng tốt nghiệp THPT hoặc Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời (bản photo chứng thực)
- Chứng minh thư nhân dân (bản photo chứng thực)
- Giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có)
- Phong bì dán sẵn tem và ghi đầy đủ địa chỉ liên lạc, số điện thoại của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển
- 04 ảnh 3×4
- Lệ phí xét tuyển (tùy từng trường)
Thời gian xét tuyển học bạ tùy thuộc vào quy định từng trường, nhưng thường sẽ vào thời điểm như:
Đợt 1: Từ tháng 6 đến tháng 8.
Đợt 2: Từ tháng 9 đến tháng 11.
Nhiều trường sẽ xét tuyển bổ sung nếu chưa đủ chỉ tiêu.