Chính phủ ban hành Nghị định 113/2025/NĐ-CP ngày 03/6/2025 hướng dẫn Luật Lưu trữ có hiệu lực thi hành từ ngày 21/7/2025.
Theo đó, các yêu cầu về khu vực kho bảo quản tài liệu lưu trữ như sau:
- Khu vực kho bảo quản tài liệu lưu trữ được bố trí độc lập với các khu vực khác, hạn chế tiếp xúc với đường đi, có lối ra vào độc lập, phù hợp với từng loại hình tài liệu.
- Khu vực kho bảo quản tài liệu lưu trữ phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
+ Diện tích sàn kho bảo quản tài liệu lưu trữ giấy tính tối thiểu bằng một phần năm tổng số mét giá tài liệu lưu trữ giấy cần bảo quản.
+ Diện tích sàn kho bảo quản tài liệu lưu trữ trên vật mang tin khác tối thiểu bằng diện tích đặt trang thiết bị bảo quản và bảo đảm không gian thực hiện nghiệp vụ bảo quản.
+ Sàn kho phải bảo đảm khả năng chịu tải của tài liệu lưu trữ và thiết bị lưu trữ; khả năng chống động đất, thiên tai, thảm họa.
+ Thiết kế tường kho, mái kho, cửa ra vào, cửa sổ, cầu thang của kho bảo quản phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn tài liệu và thiết bị lưu trữ.
- Có thiết bị duy trì nhiệt độ, độ ẩm phù hợp với từng loại hình tài liệu được bảo quản theo khuyến cáo của nhà sản xuất vật mang tin và phương tiện ghi tin.
- Thiết bị bảo vệ, bảo quản tài liệu khác
+ Hệ thống giám sát an ninh và phòng cháy, chữa cháy; thiết bị báo động; thiết bị chống đột nhập; thiết bị báo cháy, hệ thống chữa cháy tự động.
+ Hệ thống điều hòa và dụng cụ đo nhiệt độ; hệ thống hút ẩm và dụng cụ đo độ ẩm; hệ thống thông gió phù hợp với từng loại hình tài liệu lưu trữ.
+ Giá, hộp đựng tài liệu và các thiết bị khác phù hợp với từng loại hình tài liệu lưu trữ.
Ngày 05/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 116/2025/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật có hiệu lực từ ngày 25/7/2025 trừ khoản 2 Điều 8 Nghị định 116/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026.
Cụ thể, điều kiện hỗ trợ khắc phục dịch bệnh động vật như sau:
- Cơ sở sản xuất có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh động vật theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 116/2025/NĐ-CP và thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đối với trường hợp đã công bố dịch bệnh: Có động vật, sản phẩm động vật buộc phải tiêu hủy theo quy định của pháp luật trong vùng có dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm;
+ Đối với trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch bệnh: Có động vật, sản phẩm động vật tại ổ dịch đầu tiên có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh thuộc Danh mục bệnh động vật phải công bố dịch hoặc Danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người hoặc động vật tại ổ dịch tiếp theo trên cùng địa bàn cấp xã (theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương) được Cơ quan có thẩm quyền kết luận mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh đối với bệnh đã có kết quả xét nghiệm dương tính tại ổ dịch đầu tiên;
+ Đối với trường hợp bệnh mới xuất hiện trên lãnh thổ Việt Nam nhưng chưa đủ điều kiện công bố dịch bệnh: Có văn bản của Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về thú y xác nhận tác nhân gây bệnh truyền nhiễm mới.
- Người tham gia khắc phục dịch bệnh động vật phải được cơ quan, đơn vị nhà nước có thẩm quyền phân công hoặc huy động bằng văn bản.
Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 13/2025/TT-BYT ngày 06/6/2025 hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/7/2025.
Theo đó, nhân viên y tế, người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh ký hoặc xác nhận điện tử nội dung liên quan trong hồ sơ bệnh án điện tử theo một trong các hình thức sau:
- Sử dụng chữ ký điện tử hợp pháp;
- Sử dụng các kỹ thuật sinh trắc học;
- Sử dụng các hình thức xác nhận bằng phương tiện điện tử khác theo quy định tại khoản 4 Điều 22 Luật Giao dịch điện tử 2023.
Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 34/2025/TT-BCT ngày 02/6/2025 sửa đổi Thông tư 02/2018/TT-BCT hướng dẫn Danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 21/7/2025.
Theo đó, Thông tư 34/2025/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-BCT về hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới như sau:
- Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi của cư dân biên giới thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Hàng hóa được nhập khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi của cư dân biên giới quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư 34/2025/TT-BCT .
- Các mặt hàng ngoài danh mục quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-BCT (sửa đổi tại Thông tư 34/2025/TT-BCT ) không được nhập khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.
- Trường hợp cần đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng ngừa dịch bệnh qua biên giới, Bộ Công Thương sau khi trao đổi với các Bộ, ngành liên quan quyết định tạm ngừng nhập khẩu một số mặt hàng trong danh mục hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới ban hành theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-BCT (sửa đổi tại Thông tư 34/2025/TT-BCT ) trên từng địa bàn với thời gian cụ thể.