Trong đó, sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP (các trường hợp án lệ được xem xét thông qua).
Như vậy, từ ngày 01/7/2025, các trường hợp án lệ được xem xét thông qua bao gồm:
- Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết 04/2019;
- Được Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đề xuất;
- Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề xuất;
(Trước đây quy định: Được Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao đề xuất)
- Được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 02/2025/NQ-HĐTP còn thay thế một số mẫu ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2019 như sau:
- Thay thế mẫu số 01-AL ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2019 bằng mẫu số 01-AL ban hành kèm theo Nghị quyết 02/2025;
- Thay thế mẫu số 02-AL ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2019 bằng mẫu số 02-AL ban hành kèm theo Nghị quyết 02/2025;
- Thay thế mẫu số 03-AL ban hành kèm theo Nghị quyết 04/2019 bằng mẫu số 03-AL ban hành kèm theo Nghị quyết 02/2025.
Nghị quyết 02/2025/NQ-HĐTP có hiệu lực từ ngày 01/7/2025.
Tại Điều 57 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 (sửa đổi tại Luật số 81/2025/QH15) quy định:
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh gồm Chánh án, các Phó Chánh án và một số Thẩm phán Tòa án nhân dân do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định. Số lượng thành viên của Ủy ban Thẩm phán do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Phiên họp Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án chủ trì.
- Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
+ Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định của Tòa án nhân dân khu vực đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo quy định của luật;
+ Thảo luận về chương trình, kế hoạch công tác của Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
+ Thảo luận, góp ý kiến đối với báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng nhân dân cùng cấp;
+ Thảo luận về kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh;
+ Thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử; đề xuất án lệ.