Theo đó, các nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước như sau:
- Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý; gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
- Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản thu ngân sách thực hiện theo quy định của các luật về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác thuộc ngân sách theo quy định của pháp luật.
- Các khoản chi ngân sách chỉ được thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm quyền giao, trừ trường hợp tạm cấp ngân sách quy định tại Điều 53 Luật Ngân sách nhà nước 2025 và phải bảo đảm đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
- Bảo đảm ưu tiên bố trí ngân sách cho chi đầu tư phát triển để thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ về phát triển kinh tế; phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; giảm nghèo bền vững; phát triển nông nghiệp, nông thôn, y tế; chính sách dân tộc; thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và những chính sách quan trọng khác.
- Bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh phí hoạt động của bộ máy nhà nước; các nghĩa vụ của nhà nước trong các cam kết quốc tế, cam kết với các nhà đầu tư.
- Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị, cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hỗ trợ các tổ chức xã hội thực hiện các nhiệm vụ được Nhà nước giao.
- Bảo đảm chi trả các khoản nợ lãi đến hạn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
- Việc quyết định đầu tư và chi đầu tư chương trình, nhiệm vụ, dự án có sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải phù hợp với Luật Đầu tư công và quy định của pháp luật khác có liên quan.
- Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.
Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí cho các quỹ thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, xây dựng chính sách, pháp luật theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước.
Luật Ngân sách nhà nước 2025 có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2026, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 77 Luật Ngân sách nhà nước 2025 được thực hiện từ ngày 01/7/2025.
Luật Ngân sách nhà nước 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 59/2020/QH14 và Luật số 56/2024/QH15 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Ngân sách nhà nước 2025 có hiệu lực thi hành.