Hiệp định RCEP 17/11/2020 15:05 PM

Bản tiếng Việt Hiệp định RCEP: Chương 7 Phòng vệ thương mại

17/11/2020 15:05 PM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trân trọng giới thiệu bản tiếng Việt Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP): Chương 7 Phòng vệ thương mại

CHƯƠNG 7

PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI

MỤC A

CÁC BIỆN PHÁP TỰ VỆ RCEP

Điều 7.1: Các định nghĩa

Đối với Chương này:

(a) Thông tin mật bao gồm thông tin được cung cấp trên cơ sở bảo mật và bản chất của thông tin là bí mật (ví dụ, vì việc tiết lộ thông tin đó sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho đối thủ cạnh tranh hoặc vì việc tiết lộ thông tin đó sẽ có tác động bất lợi đáng kể đến người cung cấp thông tin hoặc đến người đã cung cấp thông tin cho người đó);

(b) thuế hải quan có nghĩa là các khoản thuế hải quan được định nghĩa tại điểm (b) của Điều 2.1 (Định nghĩa);

(c) ngành sản xuất trong nước có nghĩa là các nhà sản xuất nói chung của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nhập khẩu, hoạt động trong lãnh thổ của một Bên, hoặc những nhà sản xuất mà sản lượng chung của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nhập khẩu tạo thành một tỷ trọng lớn của tổng sản lượng trong nước của hàng hóa đó;

(d) hàng hóa có xuất xứ nghĩa là hàng hóa có xuất xứ được định nghĩa tại điểm (l) của Điều 3.1 (Định nghĩa);

(e) biện pháp tự vệ RCEP tạm thời nghĩa là biện pháp tự vệ được mô tả tại khoản 1 Điều 7.8 (Các biện pháp tự vệ RCEP tạm thời);

(f) thiệt hại nghiêm trọng nghĩa là sự suy giảm đáng kể tổng thể về tình hình của một ngành sản xuất trong nước;

(g) đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng nghĩa là thiệt hại nghiêm trọng rõ ràng sắp xảy ra, trên cơ sở thực tế, không chỉ dựa trên cáo buộc, phỏng đoán hoặc khả năng xa;

(h) biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp nghĩa là biện pháp tự vệ được mô tả tại Điều 7.2 (Áp dụng các Biện pháp Tự vệ RCEP Chuyển tiếp); và

(i) giai đoạn tự vệ chuyển tiếp đối với một hàng hóa cụ thể là khoảng thời gian kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực cho đến tám năm sau ngày hoàn thành việc xóa bỏ hoặc cắt giảm thuế hải quan đối với hàng hóa đó theo Biểu cam kết thuế quan của một Bên trong Phụ lục I (Biểu cam kết thuế quan).

Điều 7.2: Áp dụng các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

1. Nếu, do việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này, một hàng hóa có xuất xứ của một Bên hoặc các Bên khác đang được nhập khẩu vào lãnh thổ của một Bên với lượng gia tăng, về tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước, và theo các điều kiện gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp, Bên nhập khẩu có thể, trong phạm vi cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước của mình và để tạo điều kiện cho sự điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước:

(a) đình chỉ việc giảm thêm bất kỳ mức thuế quan nào quy định tại Hiệp định này đối với hàng hóa có xuất xứ; hoặc

(b) tăng thuế suất thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ lên mức không vượt quá mức thấp hơn của:

(i) mức thuế hải quan tối huệ quốc được áp dụng có hiệu lực vào ngày áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp; hoặc

(ii) mức thuế hải quan tối huệ quốc được áp dụng có hiệu lực vào ngày ngay trước ngày Hiệp định này có hiệu lực đối với Bên đó.

2. Các Bên hiểu rằng cả hạn ngạch thuế quan và hạn chế định lượng đều không phải là các hình thức cho phép của các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

3. Theo yêu cầu của bất kỳ Bên nào, không muộn hơn ba năm trước khi kết thúc giai đoạn tự vệ chuyển tiếp, Ủy ban về Hàng hóa có thể thảo luận và xem xét việc thực hiện và triển khai, bao gồm cả thời hạn, của các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp .

Điều 7.3: Thông báo và tham vấn

1. Một Bên sẽ gửi ngay một thông báo bằng văn bản cho các Bên khác khi:

(a) khỏi xướng một cuộc điều tra theo Điều 7.4 (Thủ tục Điều tra) liên quan đến thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng và lý do;

(b) đưa ra kết luận về thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng do sự gia tăng hàng nhập khẩu gây ra;

(c) áp dụng hoặc gia hạn việc áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp; và

(d) đưa ra quyết định sửa đổi, bao gồm cả quyết định nới lỏng dần, một biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

2. Thông báo bằng văn bản được đề cập trong điểm 1 (a) phải bao gồm:

(a) mô tả chính xác về hàng hóa có xuất xứ là đối tượng điều tra bao gồm tiêu đề và phân nhóm của nó theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa quốc gia của Bên đó;

(b) tóm tắt lý do khởi xướng điều tra; và

(c) ngày khởi xướng điều tra và thời kỳ điều tra.

3. Một Bên phải cung cấp cho các Bên khác bản sao hoặc địa chỉ trang web (Uniform Resource Locator- URL) đăng tải bản công khai của báo cáo do các cơ quan có thẩm quyền của mình theo yêu cầu tại khoản 1 Điều 7.4 (Thủ tục Điều tra). Báo cáo được cung cấp có thể bằng ngôn ngữ ban đầu được sử dụng trong báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền của Bên đó.

4. Thông báo bằng văn bản được đề cập trong các điểm từ 1 (b) đến (d) sẽ bao gồm:

(a) mô tả chính xác hàng hóa có xuất xứ là đối tượng của biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp bao gồm tiêu đề và phân nhóm của hàng hóa đó theo Hệ thống hài hòa mô tả và mã hàng hóa quốc gia của Bên đó;

(b) bằng chứng về thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa bị thiệt hại nghiêm trọng do việc gia tăng nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ của một Bên hoặc các Bên khác gây ra là do việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này;

(c) mô tả chính xác về biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp được đề xuất;

(d) ngày đề xuất áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp, thời hạn dự kiến của biện pháp và, nếu có, lộ trình cho việc nới lỏng dần dần biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp theo khoản 3 Điều 7.5 (Phạm vi và Thời hạn của Các Biện pháp Tự vệ RCEP Chuyển tiếp); và

(e) bằng chứng cho thấy ngành sản xuất trong nước có liên quan đang điều chỉnh, trong trường hợp gia hạn biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

5. Một Bên đề xuất áp dụng hoặc gia hạn một biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ tạo cơ hội đầy đủ cho việc tham vấn trước với các Bên có lợi ích đáng kể với tư cách là các nhà xuất khẩu hàng hóa liên quan, nhằm, bên cạnh các mục đích khác, xem xét lại thông tin được cung cấp theo các khoản 2 và 4 mà phát sinh từ cuộc điều tra nêu tại Điều 7.4 (Thủ tục Điều tra), trao đổi quan điểm về biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp và thống nhất cách hiểu về những cách thức để đạt được mục tiêu nêu tại Điều 7.7 (Bồi thường).

Điều 7.4: Thủ tục điều tra

1. Một Bên sẽ chỉ áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sau khi cơ quan có thẩm quyền của Bên đó tiến hành một cuộc điều tra theo các thủ tục tương tự như quy định tại Điều 3 và khoản 2 Điều 4 của Hiệp định Tự vệ. Theo đó, Điều 3 và khoản 2 Điều 4 của Hiệp định Tự vệ được đưa vào và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.

2. Mỗi Bên phải bảo đảm rằng các cơ quan có thẩm quyền của mình kết thúc điều tra theo khoản 1 trong vòng một năm kể từ ngày khởi xướng.

Điều 7.5: Phạm vi và thời hạn của các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp

1. Không Bên nào được áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp:

(a) ngoại trừ trong phạm vi, và trong thời gian cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh của ngành sản xuất trong nước;

(b) trong khoảng thời gian vượt quá ba năm, ngoại trừ trong những trường hợp đặc biệt, thời hạn có thể được kéo dài thêm một khoảng thời gian lên đến một năm nếu các cơ quan có thẩm quyền của Bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp xác định, phù hợp với các thủ tục quy định tại Điều này, rằng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp vẫn còn cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh và có bằng chứng cho thấy ngành sản xuất trong nước có liên quan đang điều chỉnh, với điều kiện là tổng thời gian áp dụng biện pháp tự vệ RCEP tạm thời và chuyển tiếp, bao gồm cả thời gian áp dụng ban đầu và bất kỳ thời gian gia hạn nào, không được vượt quá bốn năm. Tuy nhiên, một Bên là Quốc gia Kém Phát triển nhất có thể gia hạn biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp của mình trong thời gian thêm một năm; hoặc

(c) sau khi hết thời hạn tự vệ chuyển tiếp.

2. Không áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp đối với việc nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ trong thời hạn một năm kể từ ngày việc cắt giảm thuế hoặc xóa bỏ thuế quan đầu tiên có hiệu lực đối với hàng hóa có xuất xứ đó theo cam kết trong Hiệp định này.

3. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh trong trường hợp thời hạn dự kiến của biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp vượt quá một năm, Bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ nới lỏng dần biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp theo các khoảng thời gian đều đặn trong suốt thời gian áp dụng.

4. Khi một Bên chấm dứt biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp, mức thuế hải quan đối với hàng hóa có xuất xứ bị áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp đó sẽ là thuế suất, theo Biểu thuế của Bên đó trong Phụ lục I (Biểu Cam kết Thuế quan), đáng nhẽ đã có hiệu lực nếu không có biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp đó.

5. Không áp dụng lại biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp đối với việc nhập khẩu một hàng hóa có xuất xứ cụ thể đã bị áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp, trong một khoảng thời gian bằng với thời hạn của biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp trước đó hoặc một năm kể từ khi hết hạn biện pháp đó, tùy theo thời gian nào dài hơn.

Điều 7.6: Nhập khẩu không đáng kể và đối xử đặc biệt

1. Biện pháp tự vệ RCEP tạm thời hoặc chuyển tiếp sẽ không được áp dụng đối với hàng hóa có xuất xứ của một Bên nếu tỷ trọng nhập khẩu của Bên đó đối với hàng hóa liên quan của Bên nhập khẩu không vượt quá ba phần trăm tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đó từ tất cả các Bên, với điều kiện là các Bên có thị phần nhập khẩu ít hơn ba phần trăm, chiếm không quá chín phần trăm.

2. Biện pháp tự vệ RCEP tạm thời hoặc chuyển tiếp sẽ không được áp dụng cho hàng hóa có xuất xứ của bất kỳ quốc gia thành viên kém phát triển nhất nào.

Điều 7.7: Bồi thường

1. Một Bên đề xuất áp dụng hoặc gia hạn biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ, khi tham vấn với các Bên xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng bởi biện pháp đó, cung cấp cho các Bên xuất khẩu đó các phương án bồi thường thương mại phù hợp, thống nhất giữa các bên dưới hình thức các nhượng bộ có các tác động thương mại tương đương đáng kể hoặc tương đương với trị giá của thuế hải quan bổ sung dự kiến sẽ phát sinh từ biện pháp này. Bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ cung cấp cho các Bên xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi biện pháp đó cơ hội tham vấn trong vòng 30 ngày kể từ ngày áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

2. Nếu các cuộc tham vấn nêu tại khoản 1 không dẫn đến một thỏa thuận về bồi thường thương mại trong vòng 30 ngày kể từ ngày bắt đầu tham vấn, thì bất kỳ Bên nào có hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp có thể đình chỉ việc áp dụng các nhượng bộ tương đương đáng kể đối với thương mại hàng hóa của Bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

3. Một Bên có hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp phải gửi thông báo bằng văn bản cho Bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp ít nhất 30 ngày trước khi ngừng áp dụng các nhượng bộ theo khoản 2.

4. Nghĩa vụ bồi thường theo khoản 1 và quyền đình chỉ áp dụng các nhượng bộ theo khoản 2 sẽ chấm dứt khi biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp chấm dứt.

5. Quyền đình chỉ áp dụng các nhượng bộ theo khoản 2 sẽ không được thực hiện trong ba năm đầu khi biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp có hiệu lực nếu biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp được áp dụng do nhập khẩu tăng tuyệt đối và tuân thủ Hiệp định này.

6. Một Bên là quốc gia kém phát triển nhất áp dụng hoặc gia hạn biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp sẽ không bị các Bên bị ảnh hưởng yêu cầu bồi thường.

Điều 7.8: Các biện pháp tự vệ RCEP tạm thời

1. Trong những trường hợp khẩn cấp mà việc chậm trễ có thể gây ra thiệt hại khó khắc phục, một Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời RCEP, biện pháp này sẽ dưới dạng các biện pháp nêu tại điểm 1 (a) hoặc (b) của Điều 7.2 (Áp dụng các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp), theo quyết định sơ bộ của cơ quan có thẩm quyền rằng có bằng chứng rõ ràng rằng nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ một Bên hoặc các Bên khác đã tăng lên do việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế hải quan theo Hiệp định này và việc nhập khẩu gia tăng như vậy đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước của Bên nhập khẩu.

2. Một Bên sẽ gửi thông báo bằng văn bản cho các Bên khác trước khi áp dụng biện pháp tự vệ RCEP tạm thời. Việc tham vấn với các Bên có lợi ích đáng kể với tư cách là các nhà xuất khẩu hàng hóa liên quan về việc áp dụng biện pháp tự vệ RCEP tạm thời sẽ được bắt đầu ngay sau khi biện pháp tự vệ RCEP tạm thời được áp dụng.

3. Thời hạn của bất kỳ biện pháp tự vệ RCEP tạm thời nào không được vượt quá 200 ngày, trong khoảng thời gian đó Bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP tạm thời phải tuân thủ các yêu cầu của khoản 1 Điều 7.4 (Thủ tục Điều tra). Nếu cuộc điều tra nêu tại khoản 1 Điều 7.4 (Thủ tục điều tra) không dẫn đến kết luận rằng các yêu cầu của Điều 7.2 (Áp dụng các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp) được đáp ứng, Bên áp dụng biện pháp tự vệ RCEP tạm thời sẽ nhanh chóng hoàn trả bất kỳ khoản thuế hải quan bổ sung nào được thu do áp dụng biện pháp tự vệ RCEP tạm thời. Để rõ ràng hơn, thời hạn của bất kỳ biện pháp tự vệ RCEP tạm thời nào sẽ được tính là một phần của tổng thời gian quy định tại điểm 1 (b) của Điều 7.5 (Phạm vi và thời hạn của các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp).

4. Khoản 2 của Điều 7.2 (Áp dụng các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp), khoản 4 của Điều 7.5 (Phạm vi và thời hạn của các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp) và khoản 1 và 2 của Điều 7.10 (Các quy định khác) sẽ được áp dụng, với những sửa đổi phù hợp, với biện pháp tự vệ RCEP tạm thời.

Điều 7.9: Các biện pháp tự vệ toàn cầu

1. Không có quy định nào trong Hiệp định này ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của các Bên theo Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ.1

2. Trừ trường hợp có quy định khác tại khoản 3, không quy định nào trong Hiệp định này sẽ trao bất kỳ quyền nào hoặc áp đặt bất kỳ nghĩa vụ nào đối với các Bên liên quan đến các hành động được thực hiện theo Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ.2

3. Theo yêu cầu của một Bên khác, một Bên dự định thực hiện các biện pháp tự vệ theo Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ phải ngay lập tức gửi thông báo bằng văn bản hoặc địa chỉ trang web (URL) của tất cả các thông tin thích hợp theo các khoản 1, 2 và 4 của Điều 12 của Hiệp định Tự vệ về việc khởi xướng điều tra tự vệ, kết luận sơ bộ và kết luận cuối cùng của cuộc điều tra. Một Bên sẽ được coi là tuân thủ quy định tại khoản này nếu Bên đó đã thông báo biện pháp đó cho Ủy ban về các biện pháp tự vệ của WTO theo Điều 12 của Hiệp định Tự vệ.

4. Không Bên nào được áp dụng đồng thời đối với cùng một hàng hóa:

(a) biện pháp tự vệ RCEP tạm thời hoặc chuyển tiếp; và

(b) biện pháp theo Điều XIX của GATT 1994 và Hiệp định Tự vệ.

Điều 7.10: Các quy định khác

1. Mỗi Bên phải đảm bảo việc quản lý nhất quán, công bằng và hợp lý các luật và quy định của mình liên quan đến các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

2. Mỗi Bên sẽ ban hành hoặc duy trì các thủ tục công bằng, kịp thời, minh bạch và hiệu quả liên quan đến các biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.

3. Văn bản thông báo nêu tại khoản 1 Điều 7.3 (Thông báo và Tham vấn), khoản 3 Điều 7.7 (Bồi thường), và khoản 2 Điều 7.8 (Các Biện pháp Tự vệ RCEP Tạm thời) sẽ bằng tiếng Anh.

 

MỤC B

THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VÀ TRỢ CẤP

Điều 7.11: Quy định chung

1. Các Bên duy trì các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều VI của GATT 1994, Hiệp định Chống bán phá giá WTO và Hiệp định Chống trợ cấp WTO. Mục này khẳng định và xây dựng dựa trên các quyền và nghĩa vụ đó.

2. Trong bất kỳ quy trình nào mà cơ quan điều tra của một Bên xác định tiến hành điều tra tại chỗ để xác minh thông tin do bị đơn 3 cung cấp và liên quan đến việc tính toán biên độ thuế chống bán phá giá hoặc mức trợ cấp có thể đối kháng, cơ quan điều tra phải nhanh chóng thông báo cho bị đơn đó về ý định của mình, và:

(a) sẽ cố gắng thông báo cho bị đơn trước ít nhất bảy ngày về ngày mà các cơ quan điều tra dự định tiến hành bất kỳ cuộc điều tra tại chỗ nào để xác minh thông tin; và

(b) sẽ cố gắng, ít nhất bảy ngày trước bất kỳ cuộc điều tra tại chỗ nào để xác minh thông tin, cung cấp cho bị đơn một tài liệu đưa ra các nội dung mà bị đơn cần chuẩn bị trong quá trình thẩm tra và mô tả các loại tài liệu hỗ trợ mà bị đơn phải cung cấp để xem xét,

với điều kiện là việc thực hiện các điểm (a) và (b) không làm trì hoãn việc tiến hành điều tra một cách không cần thiết.

3. Cơ quan điều tra của một Bên phải duy trì một hồ sơ công khai cho mỗi cuộc điều tra và rà soát bao gồm:

(a) tất cả các tài liệu công khai là một phần của hồ sơ điều tra hoặc rà soát;

(b) bản tóm tắt công khai về thông tin mật có trong hồ sơ của mỗi cuộc điều tra hoặc rà soát, trong phạm vi cho phép mà không tiết lộ thông tin mật.

4. Trong quá trình điều tra hoặc rà soát, cơ quan điều tra của một Bên phải cung cấp hồ sơ công khai của cuộc điều tra hoặc rà soát cho các bên liên quan dưới dạng:

(a) bản giấy để kiểm tra và sao chép trong giờ làm việc bình thường của cơ quan điều tra; hoặc

(b) bản điện tử.

Điều 7.12: Thông báo và Tham vấn

1. Khi các cơ quan có thẩm quyền của một Bên nhận được hồ sơ yêu cầu chống bán phá giá được lập thành văn bản hợp lệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ một Bên khác, Bên đó sẽ cố gắng thông báo bằng văn bản cho Bên kia về việc nhận được hồ sơ yêu cầu ít nhất bảy ngày trước khi khởi xướng một cuộc điều tra chống bán phá giá.

2. Khi cơ quan có thẩm quyền của một Bên nhận được hồ sơ yêu cầu áp dụng thuế chống trợ cấp được lập thành văn bản hợp lệ đối với hàng hóa nhập khẩu từ một Bên khác và trước khi khởi xướng điều tra, Bên đó sẽ cố gắng thông báo bằng văn bản cho Bên kia về việc nhận được hồ sơ yêu cầu ít nhất là 20 ngày trước ngày khởi xướng điều tra chống trợ cấp và mời Bên kia tham vấn về hồ sơ yêu cầu. Các Bên liên quan sẽ cố gắng tổ chức các cuộc tham vấn trong khoảng thời gian đó.

3. Liên quan đến các cuộc tham vấn được đề cập trong khoản 2, Bên dự định khởi xướng cuộc điều tra theo khoản 2, trước khi khởi xướng điều tra, theo yêu cầu của Bên kia, sẽ cung cấp bản công khai của hồ sơ yêu cầu cho Bên kia. Bên dự định khởi xướng điều tra phải cố gắng tạo cơ hội thích hợp để Bên kia nhận xét và gửi thông tin hoặc tài liệu bổ sung, nếu thích hợp và phù hợp với các quy định thủ tục theo quy định pháp luật của Bên dự định tiến hành điều tra.

Điều 7.13: Cấm sử dụng Quy về không

Khi biên độ bán phá giá được thiết lập, đánh giá hoặc rà soát theo Điều 2, khoản 3 và 5 Điều 9, và Điều 11 của Hiệp định Chống bán phá giá WTO, tất cả các biên độ bán phá giá riêng lẻ, dù là dương hay âm, sẽ được tính so sánh theo trị giá bình quân gia quyền của giá xuất khẩu và giá trị thông thường (WA-WA) và theo từng giao dịch của giá xuất khẩu và giá trị thông thường (T-T). Không có quy định nào trong Điều này làm phương hại hoặc ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của một Bên theo câu thứ hai của tiểu mục 4.2 Điều 2 của Hiệp định Chống bán phá giá liên quan đến việc so sánh trị giá bình quân gia quyền của giá trị thông thường với từng giao dịch của giá xuất khẩu (WA-T).

Điều 7.14: Công bố các dữ kiện trọng yếu

Mỗi Bên phải đảm bảo, trong phạm vi có thể, ít nhất 10 ngày trước khi có quyết định cuối cùng, công bố đầy đủ và có ý nghĩa về tất cả các dữ kiện trọng yếu đang được xem xét mà tạo cơ sở cho quyết định áp dụng các biện pháp, quy định này không ảnh hưởng đến khoản 5 Điều 6 của Hiệp định Chống bán phá giá và khoản 4 Điều 12 của Hiệp định Chống trợ cấp. Việc công bố phải được thực hiện bằng văn bản và cho phép các bên liên quan có đủ thời gian để đưa ra bình luận của họ. Cơ quan điều tra của một Bên, trong quyết định cuối cùng của mình, phải xem xét các bình luận đó, nếu các bình luận đó đã được nhận trong khung thời gian do luật và quy định của Bên đó hoặc cơ quan điều tra của Bên đó thiết lập.

Điều 7.15: Xử lý thông tin mật

Cơ quan điều tra của một Bên sẽ yêu cầu các bên liên quan đã cung cấp thông tin mật phải cung cấp các bản tóm tắt công khai về thông tin mật đó, như được đề cập trong điểm 5.1 của Điều 6 của Hiệp định Chống bán phá giá. Các bản tóm tắt công khai được đề cập trong điểm 5.1 của Điều 6 của Hiệp định Chống bán phá giá phải đủ chi tiết để cho phép cách hiểu hợp lý về nội dung của thông tin mật được gửi để cho phép các bên liên quan khác trong cuộc điều tra có cơ hội phản hồi và bảo vệ lợi ích của họ, phù hợp với khoản 2 Điều 6 của Hiệp định Chống bán phá giá.

Điều 7.16: Không áp dụng giải quyết tranh chấp

Không Bên nào được sử dụng giải quyết tranh chấp theo Chương 19 (Giải quyết Tranh chấp) đối với bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Mục này hoặc Phụ lục 7A (Thực tiễn liên quan đến Thủ tục chống bán phá giá và chống trợ cấp). Khả năng áp dụng giải quyết tranh chấp đối với Mục này sẽ được rà soát theo Điều 20.8 (Rà soát chung).

 

PHỤ LỤC 7A

CÁC THỰC TIỄN LIÊN QUAN ĐẾN QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRA ÁP DỤNG THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VÀ TRỢ CẤP[4]

Các Bên thừa nhận quyền của các Bên trong việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với Điều VI của GATT 1994, Hiệp định Chống bán phá giá và Hiệp định Chống trợ cấp. Một số các thực tiễn dưới đây được thực hiện bởi một số phù hợp với luật pháp và quy định của họ và có thể thúc đẩy các mục tiêu minh bạch và đúng thủ tục trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Cơ hội để khắc phục hoặc giải thích sự thiếu sót trong bảng câu hỏi

1. Nếu, trong một cuộc điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, cơ quan điều tra của một Bên xác định rằng việc trả lời đúng hạn của một bên liên quan đối với bảng câu hỏi không đáp ứng yêu cầu, cơ quan điều tra:

(a) thông báo cho bên liên quan đã gửi trả lời bảng câu hỏi đó về nội dung thông tin thiếu sót; và

(b) trong phạm vi có thể thực hiện được dựa trên các thời hạn được thiết lập để hoàn thành việc điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, tạo cơ hội cho bên liên quan đó khắc phục hoặc giải thích sự thiếu sót.

Nếu bên liên quan đó gửi thêm thông tin để giải quyết sự thiếu sót và cơ quan điều tra nhận thấy phản hồi đó không thỏa đáng, hoặc phản hồi không được gửi trong thời hạn áp dụng và nếu cơ quan điều tra không xem xét tất cả hoặc một phần của các bản trả lời ban đầu và bản trả lời sau đó, cơ quan điều tra giải thích lý do không xem xét các trả lời trong quyết định hoặc tài liệu bằng văn bản khác.

Cam kết

2. Sau khi cơ quan điều tra của Bên nhập khẩu khởi xướng điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp, theo yêu cầu của Bên xuất khẩu, Bên nhập khẩu chuyển đến đại sứ quán của Bên xuất khẩu đặt tại Bên nhập khẩu hoặc tới các cơ quan có thẩm quyền của Bên xuất khẩu thông tin bằng văn bản liên quan đến các thủ tục của Bên nhập khẩu để yêu cầu cơ quan chức năng của mình xem xét một cam kết về giá, bao gồm cả khung thời gian đề xuất và hoàn thành bất kỳ cam kết nào như vậy.

3. Trong một cuộc điều tra chống bán phá giá, khi cơ quan điều tra của Bên nhập khẩu đã có kết luận sơ bộ khẳng định về việc tồn tại bán phá giá và thiệt hại do việc bán phá giá đó gây ra, Bên nhập khẩu sẽ xem xét thích đáng và tạo cơ hội tham vấn cho các nhà xuất khẩu của Bên xuất khẩu liên quan đến cam kết giá đề xuất mà, nếu được chấp nhận, dẫn đến việc đình chỉ điều tra mà không áp thuế chống bán phá giá, thông qua các biện pháp được quy định trong luật, quy định và thủ tục của Bên nhập khẩu.

4. Trong một cuộc điều tra về thuế chống trợ cấp, khi cơ quan điều tra của Bên nhập khẩu đã đưa ra kết luận sơ bộ khẳng định về việc tồn tại trợ cấp và thiệt hại do trợ cấp đó gây ra, Bên nhập khẩu sẽ xem xét thích đáng và tạo cơ hội tham vấn cho Bên xuất khẩu và các nhà xuất khẩu của Bên xuất khẩu, liên quan đến cam kết được đề xuất mà, nếu được chấp nhận, dẫn đến việc đình chỉ điều tra mà không áp thuế chống trợ cấp, thông qua các biện pháp được quy định trong luật, quy định và thủ tục của Bên nhập khẩu.

Thông báo Công khai và Giải thích Quyết định

5. Khi một thông báo công khai về quyết định cuối cùng nêu tại khoản 2 Điều 12 của Hiệp định Chống bán phá giá được đưa ra, thông báo công khai được đưa ra, hoặc thông qua một báo cáo riêng, đầy đủ chi tiết, các phát hiện và kết luận đạt được về tất cả các vấn đề về thực tế và pháp luật được cơ quan điều tra coi là trọng yếu. Những phát hiện và kết luận như vậy được đưa vào thông báo công khai hoặc báo cáo riêng cũng bao gồm cơ sở lý luận đằng sau những phát hiện và kết luận của cơ quan điều tra.

6. Đối với các mục đích của đoạn 5 và tuân theo việc bảo vệ thông tin mật, thông báo công khai hoặc báo cáo riêng bao gồm:

(a) biên độ phá giá được thiết lập, giải thích về cơ sở mà giá trị thông thường và giá xuất khẩu được thiết lập, và phương pháp luận được sử dụng để so sánh giá xuất khẩu và giá trị thông thường bao gồm bất kỳ điều chỉnh nào; và

(b) thông tin liên quan đến việc xác định thiệt hại, bao gồm thông tin liên quan đến khối lượng và tác động của hàng hóa nhập khẩu bán phá giá đối với giá trên thị trường trong nước của hàng hóa tương tự, phương pháp chi tiết được sử dụng để tính toán chênh lệch giá, tác động hậu quả của hàng nhập khẩu bán phá giá đối với ngành sản xuất trong nước, và việc chứng minh mối quan hệ nhân quả bao gồm việc kiểm tra các yếu tố ngoài hàng nhập khẩu bán phá giá như được đề cập tại khoản 5 Điều 3 của Hiệp định Chống bán phá giá.

7. Thông báo công khai hoặc báo cáo riêng nêu rõ lý do chấp nhận hoặc bác bỏ các lập luận hoặc khiếu nại có liên quan của các nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu nêu tại điểm 2.2 Điều 12 của Hiệp định Chống bán phá giá một cách đủ chi tiết để cho phép hiểu một cách hợp lý về lý do của cơ quan điều tra về việc chấp nhận hoặc từ chối và để cho phép các nhà xuất khẩu và nhập khẩu đánh giá xem liệu việc cơ quan điều tra xử lý các lập luận hoặc khiếu nại đó có phù hợp với luật và quy định của Bên của cơ quan điều tra và Hiệp định WTO hay không.

 

1 Để rõ ràng hơn, mỗi Bên duy trì các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 5 của Hiệp định Nông nghiệp theo Điều 20.2 (Liên quan đến các Hiệp định khác).

2 Để rõ ràng hơn, mỗi Bên duy trì các quyền và nghĩa vụ của mình theo Điều 5 của Hiệp định Nông nghiệp theo Điều 20.2 (Liên quan đến các Hiệp định khác).

3 Theo mục đích của đoạn này, “bị đơn” có nghĩa là nhà sản xuất, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu và, nếu thích hợp, chính phủ hoặc tổ chức chính phủ, được cơ quan điều tra của một Bên yêu cầu trả lời bảng câu hỏi về thuế chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp.

[4] Phụ lục này, và bất kỳ vấn đề nào phát sinh theo Phụ lục này, sẽ không chịu giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này và sẽ không ảnh hưởng đến quyền của các Bên về việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với Điều VI GATT 1994, Hiệp định Chống bán phá giá và Hiệp định Chống trợ cấp.

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,864

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079