Hướng dẫn một số nội dung của Luật Kiến trúc, Nghị định 85/2020/NĐ-CP (Ảnh minh họa)
1. Về đối tượng lập Quy chế quản lý kiến trúc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật Kiến trúc 2019: “Quy chế quản lý kiến trúc được lập cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
Căn cứ quy định của Luật Kiến trúc 2019; khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009 (giải thích từ ngữ đô thị); Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 và quy định pháp luật hiện hành, Sở Xây dựng Cần Thơ cần tham mưu, đề xuất với UBND thành phố Cần Thơ việc tổ chức lập quy chế quản lý kiến trúc cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn trên địa bàn theo quy định, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
2. Đối với việc ủy quyền cho UBND quận, huyện lập, điều chỉnh Danh mục công trình kiến trúc có giá trị và Quy chế quản lý kiến trúc
Theo Nghị định 85/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiến trúc:
- Tại khoản 1 Điều 5 quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập, điều chỉnh danh mục công trình kiến trúc có giá trị”;
- Tại khoản 1 Điều 8: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn về kiến trúc thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện lập quy chế quản lý kiến trúc”.
Việc phân cấp, ủy quyền cho UBND cấp quận, huyện lập, điều chỉnh Danh mục công trình kiến trúc có giá trị và Quy chế quản lý kiến trúc trên địa bàn thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh và thực hiện theo quy định pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Châu Thanh