Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Giữ ngạch công chức nhưng bỏ biên chế suốt đời

08/05/2025 08:20 AM

Tiếp tục phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 7/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Toàn cảnh Phiên họp

Triết lý căn cơ xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp

Tham gia thảo luận tại Tổ 5 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội: Yên Bái, Đà Nẵng, Bình Dương) về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc sửa đổi 02 Dự án Luật đặt ra yêu cầu rất cao trong bối cảnh cấp bách, cấp thiết khi thực hiện cuộc Cách mạng về tinh gọn bộ máy và biên chế; nêu rõ “đây là những căn cứ cơ bản, quan trọng để vận hành toàn bộ nền công vụ của đất nước và chính quyền địa phương các cấp”.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Thực tế, Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới được sửa hồi tháng 2 nhưng trong bối cảnh chưa đặt vấn đề mô hình chính quyền 2 cấp. Sau đó, từ chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện dự luật trên cơ sở nguyên tắc, triết lý đổi mới, cải cách thực sự bộ máy chính quyền địa phương và hoạt động công vụ. "Vậy nên lần này, ban soạn thảo quyết định sửa căn bản, toàn diện dự luật với triết lý, tư duy cải cách, đổi mới, tiến bộ và phát triển", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Thêm vào đó, Bộ trưởng  Bộ Nội vụ cho rằng, đây là lúc đặt ra yêu cầu rất cao về quản trị quốc gia, xây dựng địa phương hiện đại, bộ máy hiệu lực, hiệu quả, đồng thời hướng đến mục tiêu cải cách nền công vụ. 02 dự luật được thiết kế đáp ứng được sự gắn kết, tạo ra sự cốt lõi, xuyên suốt, song hành với mục tiêu hướng đến là kiến tạo vào phát triển trong hoạt động lập pháp.

90 nhiệm vụ cấp Huyện chuyển về Xã mới

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trọng tâm là xác lập mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thay thế cho mô hình 3 cấp hiện nay. Trong đó, sẽ có khoảng 99 nhiệm vụ, quyền hạn của cấp Huyện sẽ chuyển 90 nhiệm vụ về cấp Xã và 9 nhiệm vụ còn lại chuyển lên cấp Tỉnh. Khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Chính phủ sẽ ban hành 25 nghị định về phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền. Trong đó, ngày 9/5 tới phải hoàn thành báo cáo Bộ Chính trị về việc triển khai nhiệm vụ phân cấp, phân quyền.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Về việc phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tới đây sẽ phân loại ĐVHC cấp tỉnh gồm có thành phố trực thuộc Trung ương, ĐVHC cấp tỉnh loại 1, 2, 3 để tương ứng với từng điều kiện phát triển, quản trị địa phương. Về số lượng đại biểu HĐND tỉnh, Bộ trưởng cho biết sẽ điều chỉnh theo diện tích tự nhiên, dân số của các địa phương, tối thiểu 55 Đại biểu HĐND và tối đa là 90 Đại biểu HĐND, phải đạt được cả hai mục tiêu là chất lượng và tinh gọn.

Về việc giao quyền khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng cho biết trong nền hành chính của nước ta thì UBND và Chủ tịch UBND cấp tỉnh có vị trí, vai trò rất quan trọng. Nếu ủy quyền cho địa phương để Ban Thường vụ, HĐND thực hiện giao quyền sẽ không đảm bảo sự quản lý, quản trị của hệ thống hành chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, quy định này vẫn giữ như hiện hành, khi khuyết Chủ tịch UBND cấp tỉnh thì HĐND có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Vấn đề này vừa qua do các địa phương không làm nhanh dẫn đến chưa kịp thời trong việc giao quyền Chủ tịch UBND.

Sẽ ban hành Nghị định về đánh giá KPI, lấy sản phẩm công việc làm thước đo

Với dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đây là dịp để thay đổi toàn diện tư duy, triết lý cho nền công vụ và công chức nước ta. Trong đó, xác lập rất rõ vị trí việc làm vì đó sẽ là công cụ, sợi chỉ xuyên suốt, là trung tâm, cốt lõi trong việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật.

Đại biểu tham gia thảo luận tổ

Theo Bộ trưởng, lần sửa đổi này vẫn giữ ngạch công chức trong vị trí việc làm. Đây được xem là công cụ kỹ thuật để phân định thứ bậc cho công vụ của nước ta, nếu bỏ đi sẽ rất khó phân định. "Chúng ta vẫn giữ ngạch để triển khai và thực hiện cải cách tiền lương. Nếu bỏ ngạch công chức đi sẽ rất khó thiết kế các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách", Bộ trưởng cho biết thêm.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, phải khắc phục được tư duy biên chế suốt đời. Vì vậy phải thiết kế “có vào, có ra”, dứt điểm xóa bỏ biên chế suốt đời. Muốn như vậy phải thực hiện 2 công cụ gồm đánh giá trên cơ sở vị trí việc làm và sử dụng cơ chế hợp đồng (hợp đồng chuyên gia, nhà khoa học, vị trí việc làm). Đây là một xu hướng chung trên thế giới.  "Tới đây sẽ có ban hành nghị định riêng về đánh giá, có KPI, dữ liệu để đánh giá, lấy sản phẩm công việc làm thước đo, không định tính chung chung", Bộ trưởng Bộ Nội vụ thông tin thêm.

Thanh Nga – Nghĩa Đức

Theo Cổng TTĐT Quốc Hội

Lịnk bài viết gốc: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?ItemID=93952

Ngày đăng: 07/05/2025

 

Chia sẻ bài viết lên facebook 67

Các tin khác
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079