Công văn 1965: 04 trường hợp không được hưởng chính sách, chế độ tại Nghị định 67 và Nghị định 178 (Hình từ Internet)
Ngày 05/5/2025, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn 1965/VKSTC-V15 hướng dẫn chính sách, chế độ đối với công chức viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo đó, để triển khai thực hiện Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức viên chức và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Nghị định 67/2025/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 178/2024/NĐ-CP về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã có hướng dẫn về trường hợp không được hưởng chính sách, chế độ tại Nghị định 67 và Nghị định 178 trong ngành Kiểm sát nhân dân như sau:
- Công chức, viên chức, người lao động là nữ đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, trừ trường hợp cá nhân tự nguyện xin nghỉ việc hưởng chế độ.
- Những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thanh tra, kiểm tra do có dấu hiệu vi phạm.
- Công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị bị ảnh hưởng bởi việc sáp nhập nhưng còn trên 05 năm công tác đến tuổi nghỉ hưu.
- Công chức, viên chức, người lao động không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Nguyên tắc thực hiện chính sách, chế độ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy được quy định cụ thể tại Điều 3 Nghị định 178/2024/NĐ-CP, bao gồm:
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong quá trình thực hiện chính sách, chế độ.
- Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch và theo quy định của pháp luật.
- Bảo đảm chậm nhất sau 05 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành thì số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức đơn vị trong hệ thống chính trị sau sắp xếp theo đúng quy định.
- Bảo đảm chi trả chính sách, chế độ kịp thời, đầy đủ theo quy định của pháp luật; sử dụng đúng, hiệu quả ngân sách nhà nước.
- Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động công tâm, khách quan trên cơ sở đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; trên cơ sở đó thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế và thực hiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng nghỉ việc gắn với việc cơ cấu và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý để cơ quan, tổ chức, đơn vị hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
- Một đối tượng đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách, chế độ quy định tại các văn bản khác nhau thì chỉ được hưởng một chính sách, chế độ cao nhất.
- Các bộ, ban, ngành ở trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở cấp tỉnh phải cử khoảng 5% cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị đi công tác ở cơ sở.
Xem thêm tại Công văn 1965/VKSTC-V15 ban hành ngày 05/5/2025.