Bắt xe đua trái phép: đốt hay đừng?

17/10/2011 08:32 AM

Xe đua trái phép bị tịch thu, nếu đem tiêu hủy thì có lãng phí, nếu đem bán đấu giá thì có là tiếp tay cho “quái xế”? Vấn đề tiêu hủy hay sung công xe đua đang tạo nên những tranh luận.


Tại buổi họp báo ngày 5/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong cuộc họp của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa diễn ra, Bộ không chỉ ủng hộ TP.HCM về mức xử phạt cao nhất cả nước, mà còn đề xuất tăng nặng hơn nữa nhằm răn đe, tiến tới đẩy lùi nạn đua xe trái phép. “Khi bắt được thì tịch thu và hủy luôn xe, phạt thật nặng “quái xế” chứ không tạm giữ hay phạt tiền đơn thuần”, ông Thăng nói.

Ngay sau đó, ngày 6/10, cũng trong một buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết, không đồng tình với đề xuất tiêu hủy phương tiện đua xe trái phép vì “là một sự lãng phí tài sản của xã hội”. Theo ông Nhanh, sau khi tịch thu xe đua nên tổ chức bán đấu giá lấy tiền đưa vào các quỹ phúc lợi xã hội.

Tăng nặng mức phạt, hình thức phạt với các đối tượng đua xe, tổ chức đua xe là cần thiết nhằm tăng tính răn đe. Tuy nhiên, việc nên tiêu hủy ngay hay phát mãi để sung công xe đua sau khi tịch thu lại đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Bộ trưởng Thăng đề xuất tiêu hủy xe đua sau khi tịch thu. Trung tướng Nhanh cho rằng, nên đem bán đấu giá để sung công, đóng góp cho các quỹ phúc lợi xã hội để tránh lãng phí.

Tiêu hủy là lãng phí?

Trước hết, xin bàn về phương án tiêu hủy xe đua. Nhiều ý kiến ủng hộ cho rằng, đây là một biện pháp có tính răn đe cao, thể hiện sự nghiêm trị của pháp luật đối với các đối tượng đua xe và phương tiện dùng để đua xe trái phép. Trước thực trạng nạn đua xe trái phép tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM ngày càng gia tăng, biện pháp này có thể đem lại những hiệu quả tích cực, xử lý triệt để và hoàn toàn phương tiện “làm loạn” của các “quái xế”.

Tuy nhiên, trung tướng Nhanh và những người không đồng tính với phương án trên cho rằng, xe đua là một tài sản có giá trị, việc tiêu hủy là một sự lãng phí lớn. Độc giả Lê Đức Trải nêu ý kiến với Đất Việt: “Đất nước chúng ta còn khó khăn, những mặt hàng làm giả, làm nhái, thực phẩm gây độc hại, ma túy... thì tiêu hủy, còn phương tiện giao thông do con các nhà giàu ăn chơi đua đòi, ngoài việc xử phạt, nên tịch thu bán hóa giá sung vào công quỹ, thưởng cho người bắt giữ, số còn lại phục vụ cho công tác xã hội”.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch cho biết, đề nghị tiêu hủy xe đua của Bộ trưởng Đinh La Thăng là một giải pháp mạnh mang tính dứt khoát, nhưng như thế sẽ rất lãng phí. Cách đây 10 năm, nạn đua xe ở Đà Nẵng đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo. Lúc đó, HĐND TP Đà Nẵng đã quyết, cứ đua xe là tịch thu bán đấu giá lấy tiền sung vào công quỹ để ủng hộ người nghèo. Từ đó, Đà Nẵng đã chấm dứt nạn đua xe.

Độc giả Quý Thăng, một người ủng hộ việc tiêu hủy, lý luận: “Tôi đồng ý với ý kiến tiêu hủy các phương tiện đua trái phép. Thực tế có rất nhiều thứ nếu quy ra tài sản còn giá trị và lãng phí hơn nhiều việc tiêu hủy xe đua trái phép, ví dụ như ma túy, sừng tê giác, ngà voi, nhưng vẫn phải tiêu hủy để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”.

Xét về mặt kinh tế, việc tiêu hủy sẽ hiệu quả và đỡ tốn kém hơn việc tổ chức bán đấu giá các phương tiện này. Chỉ cần thành lập một hội đồng và tốn một ít xăng, hoặc dùng xe lu cán qua, còn bán đấu giá sung công quỹ sẽ cần đến ban bệ, thậm chí một bộ máy rất cồng kềnh và có thể còn phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện.

Bán đấu giá xe đua: Chỉ có thể bán cho… “quái xế”

Về phương án phát mãi, bán đấu giá xe đua để sung công, đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước cho rằng, xe đua là một tài sản, tốt nhất nên bán đấu giá lấy tiền làm từ thiện, ủng hộ đồng bào bị bão lụt... hoặc làm phần thưởng cho những hiệp sĩ đường phố.

Có thể thấy, ưu điểm của phương án phát mãi để sung công xe đua là tạo ra giá trị kinh tế và dùng khoản tiền thu được đó để làm phúc lợi xã hội, làm từ thiện. Đây là quan điểm chủ yếu được những người ủng hộ việc sung công xe đua đưa ra. Độc giả Trần Hậu Định cho biết: “Tôi đồng tình với quan điểm của Tướng Nhanh, dân còn nghèo, các quỹ từ thiện còn rất cần tiền. Không phải là ở chiếc xe mà ở người sử dụng xe, dẫu xe có bị "đôn độ" nhưng người sử dụng không sử dụng để đua thì chiếc xe đó vẫn sử dụng có ích”.

Nạn "bão đêm", đua xe trái phép đang bùng phát ở nhiều thành phố lớn trong thời gian gần đây. Ảnh: Internet.

Mặc dù đem lại giá trị kinh tế và ý nghĩa xã hội, phương án phát mãi, sung công xe đua vẫn còn nhiều hạn chế.

Thứ nhất, bán đấu giá là hình thức hợp thức hóa xe vi phạm? Đua xe, tổ chức đua xe trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Xe đua là phương tiện chính để các đối tượng đua xe trái phép thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, xe đua trái phép không còn là một tài sản bình thường, mà là tang vật của một vụ việc vi phạm pháp luật. Việc đem bán đấu giá, đưa vào tái sử dụng tang vật của một vụ vi phạm pháp luật có được phép và có nên hay không?

Từ góc độ này, độc giả Đỗ Thị Thu Hằng nêu quan điểm: “Tịch thu xe đua rồi đem bán đấu giá, tôi thấy chưa ổn. Bởi khi đó những đối tượng vi phạm nhờ người khác đứng ra mua lại, như vậy tang vật phạm pháp trở nên “sạch” hay sao? Đó là chưa nói đến sẽ xảy ra tiêu cực trong đấu giá nếu quản lý không tốt”.

Thứ hai, xe đua có đủ tiêu chuẩn để đưa vào tái sử dụng, tham gia giao thông? Phần lớn các xe đua đã bị thay đổi thiết kế, công năng để tăng tốc độ, phục vụ cho mục đích đua xe. Do vậy, các xe đua này không còn đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật để có thể tham gia giao thông bình thường. Việc tái sử dụng những xe đua đã được “độ” trong lưu thông có thể gây nguy hiểm cho xã hội và cho chính người sử dụng.

Độc giả Quang Sơn cho rằng: “Việc cho phép lưu thông trở lại những phương tiện dùng đua xe trái phép là không nên. Nếu cảm thấy phung phí khi tiêu hủy thì nên phân loại, xe nào đã thay đổi thiết kế thì dứt khoát tiêu hủy, xe nào đạt chuẩn thì bán đấu giá”.

Thứ ba, nếu bán đấu giá xe đua, ai sẽ là người mua? Nhiều ý kiến cho rằng, với những chiếc xe đã được “cải tạo” dùng để đua, đối tượng hào hứng mua lại không phải là người dân bình thường mà chủ yếu là các… tay đua.

Độc giả Nguyễn Cao Khai lý giải: “Một chiếc xe mua mấy chục triệu. Tiền độ thành xe đua cũng mất mấy chục triệu nữa. Những xe này chạy 100 cây số hết 4 - 5 lít xăng. Bán thanh lý được 3 - 4 triệu đồng nhưng dân ai thèm mua vì rất tốn xăng. Chỉ mấy thằng đua mua thôi, vì tính ra rẻ hơn mang xe đi độ”.

Còn độc giả Ngô Hải Sơn đưa ra cách nhìn khác: “Đường xá bây giờ rất đông, xe đảm bảo chất lượng lưu hành đã ít, nay lại có cơ hội tăng lên có phải là càng làm phức tạp tình hình thêm không? Thêm một vấn đề nữa là do giá bán xe rẻ nên sẽ có nhiều người mua và phần lớn trong số đó là... các tay đua. Vì mua xe với giá rẻ nên cứ chạy, cứ đua thoải mái, nếu công an có phát hiện thì "bỏ của chạy lấy người", thế là xong!

Như vậy, khi các đối tượng mua lại xe chủ yếu là các tay đua, việc bán đấu giá xe đua bị tịch thu chẳng khác nào “thả hổ về rừng”. Hay nói một cách khác là tiếp tay, “phục chức” cho các “quái xế” khi trả lại phương tiện đua xe cho chúng.

Tiêu hủy hay sung công đều sai luật?

Việc tịch thu phương tiện vi phạm (xe dùng để đua) là một trong những biện pháp xử phạt bổ sung đối với vi phạm hành chính về đua xe, tổ chức đua xe, đã được luật quy định và cho phép. Theo khoản 6, Điều 37, Nghị định 34/2010 của Chính phủ, người đua xe trái phép ngoài việc bị phạt tiền còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn và tịch thu xe. Việc xử lý tang vật vi phạm hành chính phải được thực hiện đúng theo quy định của pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, luật không nêu phương án xử lý phương tiện bị tịch thu.

Thẩm phán Nguyễn Quốc Trung, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, cho biết: “Đề nghị tiêu hủy xe đua nghe có vẻ như là biện pháp nhằm nghiêm trị vi phạm về đua xe nhưng lại không phù hợp với quy định của pháp luật. Theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì chỉ buộc tiêu hủy tang vật vi phạm nếu đó là vật phẩm gây hại cho con người, vật nuôi và cây trồng, văn hóa phẩm độc hại. Theo đó, xe đua không thuộc diện tang vật buộc phải tiêu hủy”.

Như vậy, việc tiêu hủy xe đua sau khi bị tịch thu chưa được các quy định trong hệ thống văn bản luật hiện nay cho phép. Vì thế, “tôi đã đề nghị xong chưa được chấp thuận”, bộ trưởng Thăng bày tỏ.

Hàng trăm xe máy đã bị cơ quan chức năng thu giữ trong các cuộc đua xe trái phép. Ảnh: Vnexpress.

Theo một số chuyên gia pháp luật, việc đem bán đấu giá xe đua, lấy tiền thu được sung công cũng cần xem xét lại về mặt pháp lý. Xe đua là một tài sản có lịch sử pháp lý riêng và được pháp luật bảo vệ. Trong nhà nước pháp quyền, mọi chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật, trong đó có cả Nhà nước. Vì vậy, khi xe đua không phải là tài sản của Nhà nước, không phải tài sản do Nhà nước tạo ra thì các cơ quan chức năng của Nhà nước không thể đem tài sản đó phát mãi để sung công.

Mọi biện pháp, chế tài mạnh để răn đe, tiến tới hạn chế và xóa bỏ nạn đua xe trái phép là cần thiết. Tuy nhiên, mọi hình thức xử phạt đều phải được pháp luật quy định và cho phép. Mặt khác, theo luật hiện hành, chỉ được phép tịch thu xe khi xe đó thuộc quyền sở hữu của chính đối tượng đua xe trái phép, các trường hợp là xe đi mượn thì không được tịch thu mà phải trả lại cho chủ sở hữu. Đây là một kẽ hở đang được các đối tượng đua xe trái phép lợi dụng, khi các xe đua đều không thuộc sở hữu của người đua xe. Hiện nay, việc xử lý đua xe trái phép được quy định trong cả luật Hành chính (Điều 37) và luật Hình sự (Điều 207), dẫn đến chồng chéo và không thống nhất trong xử lý.

Tiêu hủy hay sung công, xét cho cùng đều là những biện pháp được đưa ra sau khi hành vi đua xe trái phép đã diễn ra. Có lẽ nên tìm một giải pháp hợp lý hơn cả để vừa tránh lãng phí, vừa giải quyết triệt để vấn đề xã hội nan giải hiện nay là đua xe gây mất an toàn trật tự xã hội. Để hạn chế và xóa bỏ triệt để nạn đua xe trái phép ở các thành phố lớn đang gây bất bình trong dư luận, các nhà quản lý cần nghiên cứu và có những sửa đổi hợp lý hơn trong các quy định của pháp luật. Khi các chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe, các “quái xế” không còn dám làm náo loạn đường phố, lúc đó, việc tiêu hủy hay sung công sẽ không còn là vấn đề cần phải tranh cãi.

Theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, trong tháng 9, công an các quận đã triển khai, bố trí lực lượng phòng chống đua xe trái phép, trong đó đã huy động trên 11.000 lượt cán bộ chiến sĩ CSCĐ thanh tra, tuần tra kiểm soát chống đua xe và cổ vũ đua xe trên địa bàn 10 quận, huyện ven nội thành. Kết quả là 150 thanh niên có hành vi đi xe máy lạng lách, đánh võng đã bị xử lý.

Cách đây một năm, thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia cũng xảy ra tình trạng đua ôtô và xe máy trái phép. Để đối phó với tình trạng này, Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố, nếu thanh niên đua xe là con cái của cán bộ, công nhân viên chức thì bố mẹ của những người này phải bị kỷ luật; tất cả xe đua sẽ bị tịch thu, bất kể là xe của ai; lập hồ sơ truy tố tất cả những người đua xe. Sau những biện pháp quyết liệt trên của chính quyền, Phnôm Pênh đã yên ắng, không còn đua ôtô, xe máy.



Theo Bá Mạnh
Đất Việt

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,602

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079