Sự kiện này đã được chính thức công bố
vào chiều 21-5 tại buổi lễ do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp Viễn
thông TP.HCM tổ chức.
Từ nhiều năm nay, ba tổng đài khẩn cấp nói trên hoạt động độc lập, người dân muốn báo thông tin, yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp thuộc chức năng của tổng đài nào thì phải bấm máy gọi đúng vào số tổng đài đó (báo cháy, cứu hộ, cứu nạn gọi 114; cấp cứu y tế gọi 115; cảnh sát phản ứng nhanh gọi 113).
Nay, với nỗ lực thực hiện các giải pháp kỹ thuật của TP.HCM, ba tổng đài khẩn cấp nói trên đã được kết nối thành một hệ thống tổng đài khẩn cấp, đảm bảo được thông tin thông suốt khi người dân có yêu cầu hỗ trợ, báo thông tin khẩn cấp thuộc các lĩnh vực rất thiết yếu vừa nêu.
Cụ thể, bằng sự kết nối liên thông này đã cho phép người dân gọi đến một trong ba tổng đài, mọi tin báo khẩn cấp hoặc yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp sẽ được chuyển đến tổng đài tiếp nhận phù hợp.
Ví dụ, người dân có thể yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của cảnh sát qua tổng đài 114 hay 115, thay vì phải nhớ và gọi đúng vào tổng đài 113 như trước đây.
Đến nay, hệ thống liên thông tổng đài khẩn cấp được xác lập với 49 điểm kết nối: cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (22 điểm), Công an TP (25 điểm), Trung tâm cấp cứu 115 TP (1 điểm), Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP (1 điểm).
Phát biểu tại buổi lễ, phó chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà cho biết TP.HCM tiến tới xây dựng một trung tâm điều hành chung, tiếp nhận, xử lí mọi tin báo khẩn cấp, các yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp của người dân.
Theo ông Hà, ở nhiều quốc gia chỉ sử dụng một tổng đài khẩn cấp để người dân gọi đến và TP.HCM sẽ kiến nghị Trung ương thực hiện theo hướng này.
Ngoài ra, bằng các giải pháp kỹ thuật đã cho phép các cơ quan chức năng TP.HCM có thể định vị được các cuộc gọi đến hệ thống tiếp nhận thông tin khẩn cấp nói trên với sai số rất nhỏ, nhằm nâng cao khả năng và tính kịp thời khi người dân cần sự hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp, nhất là cứu hộ, cứu nạn.
QUỐC THANH