Muốn phá thai, phải chứng minh bị hiếp dâm

08/10/2015 08:14 AM

Nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật Dân số cho phép phá thai trên 12 tuần tuổi do hiếp dâm, loạn luân là khó khả thi.

Dự thảo Luật Dân số được xây dựng để thay thế Pháp lệnh Dân số đang được đưa ra xin ý kiến xã hội. Dự thảo Luật Dân số đề xuất cho phép phá thai theo nguyện vọng nếu tuổi thai dưới 12 tuần, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ. Ngoài ra, phụ nữ được phá thai do loạn luân, do bị hiếp dâm nếu tuổi thai từ 12 tuần trở lên.

Chiều 7-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Đình Bách, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra, Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), cho rằng hai trường hợp do bị hiếp dâm hay loạn luân nếu không được phá sẽ gây những hậu quả về mặt xã hội và con người, vì vậy luật đã để những đối tượng này được phá thai.

Còn ý kiến khác nhau

Trả lời băn khoăn phải chứng minh do loạn luân hay hiếp dâm, đây là việc nhạy cảm, chứng minh không hề dễ dàng, thậm chí khi chứng minh được thì thai quá to, không thể phá, ông Bách cho rằng: “Nếu như nhìn vào trường hợp này ta thấy phức tạp nhưng nếu nhìn vào một cách tổng thể các trường hợp được phá thai, trong đó có trường hợp vị thành niên, thanh niên chưa lập gia đình dù thai dưới hay trên 12 tuần tuổi đều được phá thai. Như vậy đối tượng vị thành niên và thanh niên chưa có gia đình được loại bỏ khỏi trường hợp này vì đều được phá. Lọc ra trong quy định loạn luân, hiếp dâm chỉ còn trường hợp những người đã có gia đình. Như vậy đối tượng hẹp lại”.

siêu âm - THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Siêu âm kiểm tra sức khỏe thai nhi tại một bệnh viện. Ảnh: HTD

Ông Bách cũng thừa nhận đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau. Khi đưa vào dự thảo,  cơ quan soạn thảo cũng nghi ngại những người dính vào các trường hợp này không muốn khai mà muốn giấu. Ví dụ loạn luân giữa cha và con riêng của vợ, cha chồng với con dâu… không ai muốn đưa ra.

“Về mặt thời gian, lẽ ra phát hiện thai 12 tuần tuổi nhưng để cơ quan xác minh xong có thể thai đã 16, 17 tuần tuổi, thậm chí thai to không thể phá được nữa. Đây là ý kiến dư luận đang đặt ra, quy định này có thiết thực hay không, có đi vào cuộc sống hay không. Nhưng dù sao vẫn phải đưa vào dự thảo, vì nó nằm trong quy định tổng thể điều kiện phá hay không phá thai” - ông Bách nói.

Chưa rõ cơ quan giám định, kết luận

Ông Bách cũng cho biết cơ quan nào giám định, kết luận việc này, làm thế nào đảm bảo tính khả thi thì còn phải nghiên cứu, phải có trao đổi tiếp trước khi đưa ra các hướng dẫn văn bản dưới luật như nghị định.

Trả lời câu hỏi người phá thai có thể lấy cớ chưa lập gia đình để phá thai hoặc phá thai vì lựa chọn giới tính thai nhi, làm sao để giám sát, ông Bách nói: “Trách nhiệm làm thế nào để xác định đúng, không bị lạm dụng là trách nhiệm của cơ sở phá thai và cơ quan quản lý”.

Trước câu hỏi xác định giới tính thai nhi không phải sau 12 tuần tuổi mới xác định được, ông Bách cũng thừa nhận trước đây sau 12 tuần tuổi có thể xác định giới tính thai nhi bằng siêu âm nhưng hiện nay ngoài siêu âm có thể xác định bằng nhiều phương pháp khác như qua tế bào của máu mẹ, qua test nước tiểu hay qua xét nghiệm xâm nhập khác như chọc nước ối, nhau thai… Và có thể dưới 12 tuần tuổi là xác định được giới tính rồi.

Kết thúc cuộc trao đổi, ông Bách nhấn mạnh: “Đề ra điều kiện để phá thai không hoàn toàn mục tiêu hạn chế xác định giới tính, mà mục tiêu chính là bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc sau này của các bé gái, phụ nữ”. Tuy nhiên, ông Bách cũng lo lắng các đối tượng có thai trên 12 tuần tuổi bị cấm phá thai có thể tìm đến các cơ sở chui. Hậu quả có thể gây viêm nhiễm, vô sinh, thậm chí gây thủng tử cung, băng huyết nguy hiểm đến tính mạng.

Gây mất thời gian

Số ca nạo phá thai của nước ta đã giảm rất nhiều. Năm 1992 con số này lên đến 1,33 triệu nhưng năm 2014 chỉ còn hơn 0,3 triệu, tức là giảm tới 77%. Điều đó chứng tỏ vẫn có thể giảm mạnh phá thai mà không cần “siết chặt điều kiện”. Yếu tố nào đã làm cho tình trạng phá thai ở nước ta giảm? Tôi cho rằng đó là tuyên truyền giáo dục và cung cấp đầy đủ, kịp thời phương tiện tránh thai. Vì thế nên quy định các điều kiện trên cơ sở tôn trọng nhu cầu phá thai của phụ nữ và cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục, cung cấp đầy đủ phương tiện tránh thai.

Hiện dự thảo luật chia ra điều kiện phá thai dưới 12 tuần tuổi và trên 12 tuần tuổi với nhiều mục đích, trong đó có mục đích ngăn chặn lựa chọn giới tính thai nhi. Điều này được giải thích là trên 12 tuần tuổi mới xác định được giới tính thai nhi. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật thì thời gian này đang được rút ngắn. Vì vậy, việc quy định “cứng” sẽ lạc hậu. Việc quy định chỉ cho phép phá thai trên 12 tuần tuổi trong trường hợp loạn luân, hiếp dâm có vẻ là hợp lý, song để xác minh, chứng thực các lý do nhạy cảm này cũng mất thời gian, phiền toái và không dễ dàng.

GS-TS NGUYỄN ĐÌNH CỬ, Chủ tịch Hội đồng Khoa học

(Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em)

VIẾT THỊNH ghi

Không dám xác nhận vì sợ phiền toái

Dự thảo đề xuất phá thai trên 12 tuần tuổi phải chứng minh bị hiếp dâm thì tôi nghĩ khó khả thi. Bởi lẽ khó có người đứng ra làm chứng thai nhi trong bụng sản phụ hình thành là do bị hiếp dâm. Hơn nữa, muốn xác nhận sản phụ mang thai là do hiếp dâm thì người làm chứng phải nói rõ ai là người hiếp dâm, thời điểm và địa điểm xảy ra hiếp dâm… Nếu không có chứng cứ rõ ràng thì người làm chứng có thể bị người cho là hiếp dâm kiện ngược lại. Do phiền toái nên không ai đứng ra xác nhận sản phụ mang thai là do hiếp dâm.

Một khi không chứng minh thai nhi trên 12 tuần tuổi là do bị hiếp dâm thì cơ sở y tế không thể thực hiện phá thai. Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng sản phụ tìm tới những cơ sở phá thai chui.

BS TRẦN VĂN TRỊ, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-

Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM

TRẦN NGỌC ghi

Kéo lùi việc bảo vệ quyền lợi phụ nữ

Theo tôi, quy định một trong những điều kiện để phá thai trên 12 tuần tuổi là việc có thai do bị hiếp dâm. Có bắt buộc chứng minh không hay chỉ cần lời trình bày là đủ? Dù thế nào thì quy định này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tâm lý của phụ nữ.

Các trường hợp phá thai hiện nay thường có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức hạn chế. Do đó nếu siết chặt quy định này một cách cơ học thì sẽ dẫn đến tình trạng chỉ giải quyết được phần ngọn. Còn hậu quả về kinh tế-xã hội sẽ lớn hơn cái mà quy định này đạt được.

Pháp luật hiện hành đã ưu tiên bảo vệ phụ nữ trong tất cả lĩnh vực của đời sống rồi. Nay quy định bị hiếp dâm mới cho phá thì theo tôi là kéo lùi việc bảo vệ quyền lợi phụ nữ.

ThS ĐỒNG MẠNH HÙNG (Công ty Luật Phạm Nghiêm)

Huy Hà

Theo Pháp luật TP.HCM

Chia sẻ bài viết lên facebook 7,041

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079