Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2

01/03/2016 08:13 AM

Chiều 29/2 đã diễn ra cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định. Đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Nội vụ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng đại diện một số cơ quan liên quan tham gia buổi họp báo.

họp báo chính phủ

Phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2016 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu phiên họp báo, thừa ủy quyền của Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định đã tóm tắt những nội dung cơ bản của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016 diễn sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết: Tại phiên họp, Chính phủ bàn và quyết định 3 nội dung. Thứ nhất, Chính phủ đã nghe Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình Chính phủ báo cáo bổ sung đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2015; tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2016 và tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2016, cũng như những công việc cần phải chỉ đạo trong thời gian tới. Thứ hai, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát báo cáo về tình hình  xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán ở miền Trung-Tây Nguyên và đề xuất các giải pháp khắc phục. Thứ ba, Chính phủ nghe lãnh đạo Bộ Công an trình bày báo cáo dự thảo nghị quyết của Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi có luật mới.

Về đánh giá lại tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và hai tháng năm 2016, vào tháng 9-10/2015, Chính phủ đã có báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội từ 20/10/2015 đến cuối tháng 11. Lúc bấy giờ Chính phủ lấy số liệu 9 tháng, còn 3 tháng cuối năm là ước tính và theo quy định của pháp luật, kỳ này phải đánh giá lại con số chính xác và chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 3 tới. Nhìn lại, về cơ bản, những nhận định, đánh giá và các số liệu cơ bản vẫn khớp với báo cáo mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, có một số số liệu thay đổi, tăng giảm chút ít. Xin khái quát như sau: Nhìn lại cả năm có nhiều chỉ số tích cực hơn, nhiều số liệu đáng mừng hơn và có nhiều thành tích trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng, cải cách hành chính… Trong 14 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Trong các chỉ tiêu đạt và vượt, tôi xin nhấn mạnh 2 chỉ tiêu và Chính phủ cũng nhấn mạnh 2 chỉ tiêu này. Thứ nhất GDP vượt kế hoạch năm 2015 đề ra là 6,2%. Tại tháng 10, Chính phủ đã dự báo có thể đạt 6,5%, tức là cao hơn kế hoạch nhưng nay đánh giá lại, chúng ta đạt 6,68%. Đây là thành tựu rất lớn và là tăng trưởng cao nhất trong 8 năm qua. Tăng trưởng này càng có ý nghĩa khi năm 2015 chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và thế giới, đặc biệt là giá dầu, giá nông sản giảm mạnh. Chỉ tính riêng dầu và nông sản chúng ta bị thiệt hại khoảng 5,4-5,5 tỉ USD mà GDP vẫn tăng 6,68%. Đây là chỉ số rất đáng mừng và Chính phủ đánh giá là tiền đề rất quan trọng để chúng ta phấn đấu năm 2016 đạt chỉ tiêu tăng trưởng cao hơn. Kế hoạch Quốc hội thông qua là 6,7%, Thủ tướng chỉ đạo các ngành, các cấp bằng mọi biện pháp thực hiện quyết liệt để đạt trên 7%.

Trước đây, rất đáng lo là trong bối cảnh kinh tế suy giảm thì tạo việc làm sẽ không đạt chỉ tiêu 1,6 triệu người/năm nhưng sang năm nay đánh giá lại đạt 1,625 triệu, tức là vượt 1,6%.

Cũng xin lưu ý thêm, có 2 chỉ tiêu không đạt. Một là chỉ tiêu trồng rừng không đạt. Lý do là khi xác định tỉ lệ bao phủ rừng, chúng ta xác định ở mức cao quá, không chính xác. Nay đánh giá lại thì không phải như thế nên mức tăng độ bao phủ rừng vẫn tăng khá nhưng tính theo chỉ tiêu thì không đạt bởi mức cơ sở đánh giá cao quá.

Thứ hai, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng 7,9% trong khi kế hoạch là 10%. Lý do không đạt là do giá dầu, giá nông sản giảm sâu, nhiều giá khác giảm trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu đều tăng nhưng kim ngạch giảm vì giá thế giới giảm.

Một ý nữa cũng cần phải phân tích là bội chi ngân sách kế hoạch đề ra là 5%, nay đánh giá lại bội chi của ta là 6,1%, liệu có phải tăng bội chi không? Chính phủ đã phân tích và kết luận là không phải tăng bội chi về mặt con số tuyệt đối. Đây là tỉ số bởi vì con số tuyệt đối là bội chi bao nhiêu đồng, bao nhiêu tỉ thì Quốc hội thông qua và Chính phủ thực hiện đúng con số tuyệt đối đó nhưng tính trên tỉ trọng GDP vì giá để tính GDP giảm và chi phí đầu tư vẫn giữ nguyên nên tỉ trọng bội chi tăng lên. Tỉ trọng tăng nhưng tổng số tiền không tăng.

Còn tất cả các mặt khác thì như đã báo cáo với Quốc hội, chúng ta đã khống chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, an ninh-quốc phòng, thực hiện tốt ba khâu đột phá chiến lược đổi mới mô hình tăng trưởng kết hợp với tái cơ cấu nền kinh tế. Các lĩnh vực về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, an ninh, đối ngoại đều có những thành tựu rất đáng phấn khởi. Có thể nói năm 2015, chúng ta đạt rất nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực với sự cố gắng của tất cả các cấp, các ngành, cộng đồng DN, nhân dân, dưới lãnh đạo của Đảng, thực hiện nghị quyết của Quốc hội và sự điều hành của Chính phủ.

Về tình hình 2 tháng, Chính phủ đánh giá các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị đã triển khai khẩn trương nghị quyết của Quốc hội. Chính phủ thực hiện đồng bộ chương trình, kế hoạch, chăm lo đời sống nhân dân, an sinh xã hội và các lĩnh vực khác trên tất cả các mặt đời sống. Tình hình sau 2 tháng có chuyển biến trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số tăng giá tiêu dùng thấp, tín dụng có tăng, xuất khẩu tăng. Hai tháng qua, xuất siêu trên 860 triệu USD. Thu ngân sách tăng mạnh so với cùng kỳ. Giải ngân và thu hút vốn FDI tăng cao. Sản xuất cả 3 khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt dù nông nghiệp vừa rồi có khó khăn vào đầu vụ. Tuy nhiên, nông nghiệp của ta được giá, xuất khẩu khá nên tăng trưởng nông nghiệp trong 2 tháng qua vẫn khá. Du lịch cũng tăng trưởng khá, khách nước ngoài 2 tháng tăng 16,2%, các lĩnh vực văn hóa xã hội, y tế, giáo dục, lao động việc làm, an sinh xã hội 2 tháng qua đều thực hiện tốt, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội.

Các vấn đề về an ninh-quốc phòng, trật tự an toàn xã hội cơ bản tốt, các lượng lượng vũ trang, cơ quan chức năng đã làm tốt vai trò bảo đảm an ninh-quốc phòng, giữ gìn chủ quyền trên biển, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, kết hợp xử lý những vấn đề phát sinh về an ninh trật tự, chính trị xã hội rất ổn định. Chính phủ đánh giá chúng ta đã có một cái Tết an lành, lành mạnh và tốt hơn nhiều so với các Tết trước, không có vấn đề gì lớn phát sinh phải xử lý.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị, cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, các bộ, ngành Trung ương, các cơ quan, công chức phải thực hiện tốt nhiệm vụ của năm 2016 một cách đồng bộ, đồng thời quyết tâm trên tất cả các lĩnh vực. Ngay từ những tháng đầu, ngày đầu của năm, Chính phủ đã chỉ đạo như vậy; sau 2 tháng tiếp tục làm đồng bộ, đồng thời tất cả các công việc theo kế hoạch, chương trình đã đề ra trong cả năm. Thủ tướng có nhấn mạnh một số vấn đề sau đây.

Nhận diện bối cảnh thế giới hiện nay, chúng ta đã hội nhập rất sâu rộng nên những tác động từ thế giới đều tác động trực tiếp rất mạnh. Theo dự báo của các tổ chức dự báo uy tín thế giới, tăng trưởng kinh tế của thế giới trong năm 2016 sẽ giảm. Các cường quốc kinh tế hiện nay đều ở trong mức độ tăng trưởng thấp, chưa thoát ra khỏi khó khăn hoặc suy giảm. Thương mại toàn cầu được dự báo cũng sẽ giảm, tạo nên sức ép cạnh tranh hết sức mạnh cho DN chúng ta. Giá dầu thô giảm và diễn biến hết sức khó lường nên đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành các cơ quan Trung ương, địa phương phải theo sát, phân tích kỹ tình hình, dự báo và phản ứng chính sách kịp thời, cố gắng giành thế chủ động để vượt qua khó khăn thách thức, biến thách thức thành cơ hội. Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ trưởng phải trực tiếp nắm tình hình, trực tiếp thúc đẩy các quan hệ đối ngoại để đưa hàng hóa Việt Nam ra thị trường nước ngoài, tranh thủ uy tín chính trị của Đảng ta, của Nhà nước ta.

Thứ hai, một trong những nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ dành nhiều thời gian bàn là tập trung khắc phục thiên tai, đặc biệt là xâm nhập mặn ở ĐBSCL, hạn hán ở miền Trung và Tây Nguyên, khắc phục rét đậm, rét hại gây thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc dịp trước Tết.

Trọng tâm thứ ba trong gian tới mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Chúng ta khẳng định rằng trong năm qua và trong nhiệm kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã làm được rất nhiều việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng trước mắt còn rất nhiều việc phải làm và chúng ta còn tiếp tục cải thiện được nữa.

Theo phân tích và thống kê của nhiều tổ chức trên thế giới, năm 2015 các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đều đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN 6. Chỉ số khởi sự DN tăng 6 bậc, chỉ số cạnh tranh toàn cầu trong 5 năm qua tăng 19 bậc. Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2010, Việt Nam đứng thứ 75/139, năm 2015 xếp thứ 56/140 tăng 19 bậc. Chỉ số sáng tạo toàn cầu theo báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới và một số đại học có uy tín, xếp hạng của Việt Nam năm 2010 là 71/125, năm 2015 đạt 52/141 và trong ASEAN-6, Việt Nam chỉ xếp sau Singapore và Malaysia. Như vậy các chỉ số của chúng ta về môi trường cạnh tranh, đầu tư kinh doanh rất tốt, có nhiều tiến bộ.

Trong 5 năm qua, Chính phủ trình 105 dự án luật ra Quốc hội và ban hành hơn 1.000 văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp luật tương đối đồng bộ, nhiều đổi mới và được thế giới đánh giá cao. Môi trường như vậy đã tốt rồi nhưng Chính phủ chỉ đạo cần phải làm quyết liệt hơn nữa, tốt hơn nữa, nhất là trong bối cảnh chúng ta hội nhập, tham gia hiệp định TPP, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Thứ tư, một nhiệm vụ trọng tâm Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là các cấp, các ngành phải tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA, vốn đầu tư trung hạn, vốn TPCP, vốn ngân sách Nhà nước. Tất cả các dự án này đã được phê duyệt có danh mục trong quy hoạch, các cấp, các ngành phải chủ động đẩy nhanh tiến độ vì việc này không chỉ có ý nghĩa trong năm 2016 mà có ý nghĩa tiền đề cho 5 năm sau.

Thứ năm, Thủ tướng cũng chỉ đạo, đối với các vấn đề y tế, giáo dục, lao động việc làm, khoa học công nghệ, các vấn đề xã hội nói chung thì các bộ, các ngành tập trung chỉ đạo phát huy những kết quả đã đạt được, kiên trì theo các chương trình, kế hoạch mà Chính phủ đã có chỉ đạo.

Chính phủ cũng thường xuyên chỉ đạo phát huy vai trò của báo chí, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các DN và nhân dân đồng sức, đồng lòng thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 và kế hoạch 5 năm, làm sao phấn đấu năm 2016 tăng trưởng trên 7%, vượt kế hoạch đề ra, tạo tiền đề cho những năm sau.

Trên tinh thần đó Thủ tướng giao cho các bộ có liên quan hoàn thiện các báo cáo để trình Quốc hội, trình Trung ương vào tháng 3 tới.

Ngoài ra, trong cuộc họp, Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Công an sẽ trình Quốc hội cho phép tiếp tục áp dụng Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cho đến khi Quốc hội ra luật mới về vấn đề này.

Sau đây xin mời các nhà báo đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ vấn đề, chúng tôi sẽ trả lời ngắn gọn, rõ vấn đề.

họp báo chính phủ

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyên Khắc Định chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2016 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Nghĩa Nhân (PVbáo Pháp luật TPHCM): Vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán rất gay gắt trên cả nước, mang tính chất lịch sử, Chính phủ sẽ có giải pháp thế nào để ngăn chặn tình trạng này cũng như có chiến lược lâu dài hơn?

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định: Tôi muốn các nhà báo chung tay chung sức vào việc thông tin về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn. Đây là việc hết sức bức xúc, cấp bách cả trước mắt và lâu dài. Hiện nay tình hình hạn hán, xâm nhập mặn hết sức nghiêm trọng, kể cả khu vực Bắc Trung Bộ. Dự báo các khu vực Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị… sắp tới cũng có thể hạn hán bởi El Nino đang kéo dài trong nhiều năm, cực kỳ nghiêm trọng. Tại khu vực Nam Trung Bộ, vụ Đông Xuân năm 2016, đã có tổng cộng 23.000 ha đất lúa phải dừng sản xuất do thiếu nước và trong năm 2016 dự kiến có 40.000 ha phải dừng sản xuất do thiếu nước và 50.000 dân sẽ thiếu nước sinh hoạt. Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, vụ Đông Xuân có trên 2.800 ha đất phải dừng sản xuất, tháng 4/2016 dự kiến có 180.000 ha thiếu nước và 25.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Khu vực ĐBSCL xâm nhập mặn đã xuất hiện ở mức độ cao hơn mức độ trung bình hằng năm và vào sâu trong đất liền 90 km, nặng hơn mọi năm – sâu hơn 10-20 km. Dự báo trong thời gian tới còn nặng nề hơn, bây giờ chưa phải đỉnh điểm, tháng 3-4, thậm chí đến tháng 5-6 mới là đỉnh điểm. Dự kiến vụ mùa và vụ Thu Đông năm 2015, ĐBSCL có 90.000 ha lúa bị ảnh hưởng đến năng suất, trong đó thiệt hại nặng khoảng 50.000 ha. Vụ Đông Xuân năm 2016, có 104.000 ha lúa bị ảnh hưởng nặng, dự kiến trong thời gian tới diện tích bị ảnh hưởng là 340.000 ha, tính ra một nửa diện tích ĐBSCL.

Mong rằng các nhà báo sẽ có những thông tin, cảnh báo và kịp thời đưa tin những tấm gương tham gia trong lĩnh vực này để cổ vũ, phát huy.

Chính phủ đã làm gì? Từ tháng 10/2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì hội nghị trực tuyến về vấn đề này, Bộ NN&PTNN đã ban hành chỉ thị của Bộ vào ngày 23/10/2015 về vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 4/2/2016 về các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn. Ngay sau Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên (Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 22/02 và Thông báo số 36/TB-VPCP ngày 25/02/2016).

Các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, các địa phương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng rất tích cực tham gia vào việc này.

Mới đây, ngày 24/2 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định hỗ trợ 85,1 tỉ đồng cho 6 tỉnh Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông, Long An, An Giang, Đồng Tháp khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ hè-thu năm 2015.

Tại Phiên họp thường kỳ tháng 02/2016, Chính phủ đã thảo luận, đề ra các chủ trương, giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Về giải pháp cấp bách trong thời gian tới, Chính phủ ghi nhận những phương án của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan và địa phương theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, đánh giá tình hình khí tượng thủy văn; có các giải pháp ứng phó trước mắt và lâu dài với hạn hán và xâm nhập mặn. Kịp thời hỗ trợ cứu đói, bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vùng bị hạn, xâm nhập mặn; đẩy nhanh thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; thường xuyên kiểm tra, đánh giá nguồn nước, xây dựng kế hoạch sử dụng, điều chỉnh cơ cấu cây trồng mùa vụ phù hợp; tăng cường các biện pháp để bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Bộ NN&PTNN cứ 15 ngày hoặc ít hơn lại có một bản đồ thể hiện xâm nhập mặn đã tới đâu, dự báo sẽ tới đâu để phổ biến, đưa tới cấp xã để địa phương phòng ngừa, người dân chủ động ứng phó. Tăng cường phổ biến thông tin liên quan để các cơ quan, người dân biết và chủ động phòng tránh, khắc phục. Xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên cấp nước sinh hoạt, nước uống cho người, cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao, nước nuôi trồng thủy sản, nước cho các khu công nghiệp, có lộ trình ưu tiên cho từng đối tượng. Rồi có những biện pháp mạnh hơn như đắp đập, ngăn mặn, khoan giếng, đào kênh, đặt ống để dẫn nước từ chỗ có nước đến chỗ không có nước. Nếu không có nước thì sẽ chở nước từ nơi khác tới cho nhân dân uống và sinh hoạt.

Sẽ điều chỉnh cơ cấu cây trồng một cách mạnh mẽ với tầm nhìn dài hạn không chỉ trong năm nay, mà còn kéo dài trong nhiều năm theo hướng chuyển dịch mùa vụ. Phải tăng cường dự báo, khi nào có nước thì chuẩn bị xuống giống. Rồi phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện nguồn nước và hiệu quả. Bộ NN&PTNT tính 1 ha lúa nước mất 10.000 m3 nước, nhưng một ha cây trồng khác, kể cả cây lâu năm, mất 2.000-3.000 m3 nước mà hiệu quả kinh tế vẫn tốt, hoặc chúng ta chuyển sang chăn nuôi sẽ sử dụng ít nước hơn.

Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp và sẽ tiếp tục phối hợp để điều tiết nước, bổ sung nước cho hạ du, cân đối, bảo đảm nhu cầu nước cho cả vụ mùa 2016. Chúng ta chỉ xả mức độ thôi, nếu chúng ta phung phí có thể đẩy được mặn một chút, nhưng đến tháng 5-6 không còn nước để xả nữa, lúc đó đỉnh điểm mặn lên là khó khăn. Vì vậy hai Bộ phối hợp với nhau chặt chẽ, vừa rồi làm tương đối tốt và vẫn đang tiếp tục làm.

Với tình hình như vậy, Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng bổ sung 623 tỉ đồng cho 39 tỉnh để ngăn mặn, chống hạn. Bộ tiếp tục đề nghị mở rộng các đối tượng ra, đắp đập, đào ao, chuẩn bị nước sinh hoạt cho dân, dự kiến lâu dài giai đoạn 2016-2020 cần 55.000 tỉ đồng cho việc này. Bộ đã kiến nghị và Thủ tướng đã chỉ đạo coi đây là việc mà cả hệ thống chính trị, các bộ, các ngành phải xem là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cấp bách, cả trước mắt, lâu dài. Vì vậy cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, làm tốt những nội dung mà Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải đã có chỉ đạo. Trước hết phải tập trung lo nước uống, nước sinh hoạt cho dân, rồi mới đến nước sản xuất. Giao cho ngành y tế lo việc phòng chống dịch bệnh vì thiếu nước sẽ sinh ra nhiều dịch bệnh. Các địa phương, các ngành, các cấp tập trung ngăn mặn, dưỡng ngọt, hỗ trợ kinh phí cho các địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi… Trước mắt phải hỗ trợ người bị thiệt hại, đã có quy định của Chính phủ (Quyết định 142); cụ thể, 1 ha lúa bị thiệt hại hỗ trợ 2 triệu đồng, một con trâu, con bò chết hỗ trợ 4 triệu đồng…

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính cấp tiền cho các địa phương, trong lúc Bộ Tài chính chưa kịp cấp thì các địa phương cứ lấy ngân sách địa phương giải quyết ngay cho dân. Còn về kinh phí lâu dài, Thủ tướng cũng chỉ đạo cái gì đã có quy định của Chính phủ rồi không phải hỏi lại, Bộ Tài chính cứ thế cấp và địa phương cứ thế ứng, còn những vấn đề về lâu dài thì Bộ NN&PTNT có đề xuất cụ thể, đi vào từng danh mục, dự án và Thủ tướng sẽ xử lý trong thời gian sớm nhất. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, cần tuyên truyền mạnh, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp có khả năng vào cuộc thì vào cuộc giúp cho nhân dân khôi phục sản xuất, vì đất bị ngập mặn sau này khôi phục lại rất khó, không chỉ thiệt hại trong một năm mà rất nhiều năm.

Thế Dũng (PV báo Người lao động): Mới đây VTV có trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới, với chi phí từ 1,3-1,5 tỉ USD. Xin hỏi tại sao lại xây tháp truyền hình cao như vậy trong khi quy hoạch truyền hình đã bỏ truyền hình analog, nên về mặt công năng không phải lớn. Ngoài ra, bối cảnh bất động sản, du lịch và kinh tế đang khó khăn như vậy thì huy động nguồn vốn ở đâu ra. Thứ ba, xây dựng tháp truyền hình đặt mục tiêu du lịch với bất động sản, thương mại có trái quy định đầu tư ngoài ngành đối với đài truyền hình quốc gia chỉ đặt mục tiêu truyền thông, chính trị là chính hay không?

Mỹ Dung (PV Báo điện tử VNMedia): Được biết VTV trong đề xuất xây tháp truyền hình có đề xuất rất nhiều cơ chế để được ưu tiên, ưu đãi. Tuy nhiên, đây không phải là công trình thuộc diện được ưu tiên như vậy. Quan điểm của Chính phủ về vấn đề VTV xin đặc cách, ưu tiên cho công trình này là như thế nào? Với những đề xuất rất vô lý như vậy, liệu người đưa ra đề xuất này có bị xử lý hay không?

Vũ Lan (PV báo Đất Việt): Cũng liên quan tới dự án tháp truyền hình của VTV, theo tôi được biết, trước đây khi VTV đưa ra đề xuất xây tháp truyền hình, Bộ Quốc phòng đã từng có ý kiến lo ngại ảnh hưởng đến vấn đề an ninh quốc phòng. Xin hỏi quan điểm cụ thể của Bộ Quốc phòng là như thế nào và tại sao khi đó Bộ Quốc phòng đưa ra ý kiến như vậy, dự án đã trì hoãn và không được thực hiện thì tới nay tiếp tục được đề xuất? Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, VTV nói xây tháp không sử dụng ngân sách Nhà nước nhưng theo phân tích, VTV sử dụng vốn từ thương hiệu của VTV đồng nghĩa với thương hiệu của quốc gia, cũng chính là tài nguyên của Nhà nước và của người dân. Trong trường hợp đó, VTV sử dụng nguồn vốn đó để đầu tư có được coi là trái quy định hay không?

Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Khắc Định: Chủ trương xây dựng tháp truyền hình của nước ta đã có từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, ghi trong văn kiện nghị quyết Đại hội. Đến năm 1995, trong một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bấy giờ về phê duyệt quy hoạch phát thanh truyền hình có nói phải xây dựng tháp truyền hình. Tháp truyền hình này là tháp đa mục tiêu, không chỉ sử dụng cho kỹ thuật truyền hình mà còn nhiều mục tiêu khác nhau, ngoài ra còn là điểm nhấn về du lịch, thương mại, thậm chí lúc bấy giờ còn nói cả bưu điện nữa. Sau đó, đến năm 1997, VTV cũng trình xây dựng tháp cao 350m và sau này Thường trực Chính phủ cũng nhiều lần bàn nhưng ngân sách lúc ấy rất khó khăn, phải dành ưu tiên cho các mục tiêu khác. Cho nên việc này có từ lâu rồi, nhưng dừng lại vì lí do ngân sách phải dành ưu tiên cho các mục tiêu khác.

Năm 2013, VTV tiếp tục trình Thủ tướng Chính phủ về chủ trương xây dựng một tháp truyền hình đa mục tiêu, như trong quy hoạch phát thanh truyền hình đã được phê duyệt từ 1995 và sau này cũng đã được bổ sung trong quy hoạch, chiến lược phát triển của VTV. Thủ tướng yêu cầu các bộ, trong đó có Bộ Quốc phòng, Tài chính, KH&ĐT, Thông tin và Truyền thông, VHTT&DL, Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội… cho ý kiến thống nhất với VTV trình Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương xây dựng một tháp truyền hình đa mục tiêu, tạo điểm nhấn, một biểu tượng cho Hà Nội, và không sử dụng ngân sách Nhà nước. Với mục tiêu tốt như vậy, không sử dụng ngân sách Nhà nước, bảo đảm lợi ích cho nhân dân vùng có thể phải giải phóng mặt bằng, bảo đảm lợi ích của Hà Nội, của Nhà nước, thu hút lao động, du lịch, tạo điểm nhấn cho Thủ đô… thì Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao cho VTV phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự án, chọn nhà đầu tư tư nhân tham gia, mời tư vấn nước ngoài có uy tín để xây dựng dự án. 

Trong quá trình đề xuất, VTV cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách như các bạn nói. Nhưng hiện nay, Thủ tướng đã chỉ đạo và VTV cùng với các bộ, ngành có liên quan đang phối hợp xây dựng dự án tiền khả thi, trong đó có tất cả các vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Thủ tướng đã có công văn giao cho VTV phối hợp với các bộ, ngành, về những đề xuất ưu đãi của VTV nếu cái gì thuộc thẩm quyền các bộ, ngành thì các bộ ngành xử lý, nếu vấn đề thuộc thẩm quyền Thủ tướng thì các bộ, ngành tổng hợp trình Thủ tướng nhưng phải theo quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ. Hiện nay, dự án đang trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi. Sau khi có dự án tiền khả thi, Thủ tướng sẽ giao các bộ, ngành có liên quan thẩm định, trình Thủ tướng và chỉ khi nào các vấn đề về cơ chế huy động vốn, bảo đảm lợi ích chung của Nhà nước, nhân dân, của nhà đầu tư rồi cơ chế thu hồi vốn, các vấn đề liên quan đến lợi ích tổng thể về kinh tế-xã hội, thương mại, du lịch thì lúc đó Thủ tướng sẽ phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Nếu không đạt được mục đích, không có hiệu quả thì Thủ tướng sẽ không phê duyệt.

Xin được trả lời khái quát như vậy. Còn vấn đề các bạn hỏi có kinh doanh ngoài ngành hay không, cơ chế cụ thể mà VTV đề nghị có trái luật hay không thì hiện nay chưa phải lúc đánh giá và xem xét vì chưa có dự án. Bao giờ có dự án thì những nội dung dự án sẽ được thẩm định kỹ, xem xét kỹ rồi quyết định. Tôi hình dung thế này, nếu không sử dụng ngân sách Nhà nước, mà huy động được nguồn vốn xã hội hóa, Hà Nội lại có công trình cao 636 m đẹp, thành công trình biểu tượng của Thủ đô, tạo công ăn việc làm, thu hút khách du lịch đến, chúng ta được hưởng thụ một công trình như vậy, nhân dân có lợi, Hà Nội có lợi, nhà nước có lợi, rồi nhà đầu tư có lợi, uy tín của Hà Nội tăng cao thì chắc chắn ai cũng ủng hộ. Nếu không đạt được mục tiêu mà lại trái luật thì không ai ủng hộ cả. Quan điểm của Chính phủ là như vậy và Thủ tướng đã chỉ đạo rõ ràng như vậy.

Thế Dũng (PV báo Người Lao động): Ngày hôm nay, báo Lao động có bài về resort ở chân núi Ba Vì, trong khi resort này “ăn” vào đất của rừng quốc gia và liên quan đến quân sự nữa. Gần đây, ở Đà Nẵng cũng có các dự án liên quan đến rừng phòng hộ và mới đây nhất báo Người Lao động có loạt bài về đường xuyên tâm xuyên qua Côn Đảo cũng ăn vào rừng đặc dụng. Xin ông cho biết quan điểm của Chính phủ về những dự án này như thế nào?

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định: Theo Luật Bảo vệ phát triển rừng, việc quản lý và cho thuê bảo vệ môi trường rừng thuộc thẩm quyền của chủ rừng, chủ rừng là Vườn quốc gia Ba Vì. Vườn này thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT, khi báo cáo thì Thủ tướng đã có văn bản giao cho Bộ NN&PTNT kiểm tra xử lý. Nếu vấn đề gì cho phép được theo quy định pháp luật, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn các công ty, chủ đầu tư thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành. Việc này VPCP đã báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng đã chỉ đạo như vậy. Chúng tôi sẽ tiếp tục nắm lại tình hình Bộ NN&PTNTvà sẽ cung cấp thông tin các bạn yêu cầu.

Phóng viên VOV: Ngày 15/2/2016, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau Tết. Xin Phó Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định cho biết phiên họp Chính phủ tháng 2 đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Khắc Định: Ngày mùng 8 Tết là ngày đi làm đầu tiên, theo thông lệ buổi sáng đi chúc Tết các cơ quan, buổi chiều thay mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang đi công tác Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì họp với 14 bộ, ngành, các cơ quan liên quan. Sau khi họp xong có Công điện ngay chiều cùng ngày chỉ đạo 12 nội dung, trong đó có liên quan đến tất cả các công việc trọng tâm sau Tết.

Trong phiên họp Chính phủ hôm nay, Chính phủ có đánh giá lại tình hình Tết năm nay có nhiều chuyển biến tốt. Có 3 lý do. Một là, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị đã có chỉ đạo rất sớm. Ngay như VPCP từ trước Tết gần 1 tháng đã có công văn đôn đốc cán bộ trực từng ngày, các Thứ trưởng, cấp chuyên viên trực như thế nào. Trước Tết hơn 1 tháng, Thủ tướng đã có rất nhiều công văn đến các địa phương để chỉ đạo chuẩn bị sớm và thật tốt.

Thứ hai, kết quả phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2015 tốt làm cho đời sống nhân dân khá hơn, nhân dân ăn Tết vui vẻ hơn. Có thể nói Tết này vui hơn về mặt tinh thần, no đủ hơn về vật chất.

Thứ ba, thời tiết dịp Tết rất đẹp, nhân dân đi chơi, thăm hỏi nhau nhiều, tăng thêm tình thân, vừa vui vừa lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, văn minh. Tuy rằng còn có việc này việc kia cần phải xử lý nhưng không có việc đặc biệt lớn như những năm trước.

Năm nay có những việc đặc biệt tốt. Một là, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tất cả người có công đều được nhận quà của Chủ tịch nước trước Tết và không gia đình nào thiệt thòi, không người dân nào không có Tết. Ngoài sự quan tâm của Trung ương, các địa phương cũng chủ động dành nguồn ngân sách của mình hỗ trợ cho nhân dân ăn Tết, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc, căn cứ cách mạng, đồng bào chính sách. Ngoài sự quan tâm của Nhà nước, còn có sự quan tâm của các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm, tình tương thân tương ái trong nhân dân rất lớn.

Thứ tư, về phương tiện đi lại, theo báo cáo của Bộ GTVT, tinh thần là “còn một hành khách thì ô tô vẫn chạy” nhưng đến chiều 29 Tết (tương đương chiều 30 mọi năm) thì tại các bến tàu bến xe không còn người đi xe. Điện thoại cũng không bị ách tắc, không bị tin tặc tấn công. An ninh trật tự chính trị rất tốt, biển đảo yên lặng. Thị trường giá cả hàng hóa không có gì đột biến. Hàng Việt Nam chất lượng cao chiếm lĩnh thị trường, được nhân dân tin dùng… Tai nạn giao thông trong 9 ngày Tết giảm cả 3 tiêu chí nhưng đáng buồn là sau Tết lễ hội đi lại nhiều nên tháng vừa rồi tăng số người chết vì TNGT.

Các bộ, ngành triển khai rất tốt công điện của Thủ tướng về triển khai sản xuất, đối với nông nghiệp có việc: khắc phục hạn hán, ngập mặn, rét đậm rét hại miền núi phía Bắc, công nghiệp có các công trình trọng điểm, năm nay điện rất tốt, không có cắt điện luân phiên. Sau Tết vẫn tiếp tục phòng chống gian lận buôn lậu thương mại. Chính phủ đánh giá, với sự cố gắng của toàn dân, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ thì Tết này là cái Tết rất tốt. Các bộ, ngành đều đã thực hiện rất tốt công điện của Thủ tướng. Chúng tôi hy vọng báo chí tiếp tục lên tiếng để cổ vũ cho cái tốt, đấu tranh những cái chưa tốt để xã hội ngày một tốt hơn. Xin cảm ơn!

họp báo chính phủ

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thùy Ngân (PV TTXVN):  NHNN vừa ban hành Chỉ thị số 01/2016 trong đó có nội dung tiếp tục thực hiện Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, nhấn mạnh sẽ thu hẹp thị trường vàng miếng. Cụ thể sẽ thu hẹp như thế nào và NHNN có biện pháp gì đảm bảo quyền lợi cho người dân?

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: Để triển khai Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, NHNN đều ban hành chỉ thị chỉ đạo tổ chức toàn diện chính sách tiền tệ cũng như công tác quản lý tiền tệ, hoạt động ngân hàng hiệu quả. Trong đó đưa ra các giải pháp toàn diện, chỉ đạo các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng trong hệ thống thực hiện giải pháp, đạt mục tiêu chính sách tiền tệ NHNN đặt ra theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Trong chỉ thị này có nội dung liên quan quản lý thị trường vàng. Thời gian qua, từ khi Nghị định 24 ra đời, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp, đem lại kết quả tích cực, ổn định thị trường. Nội dung Chỉ thị lần này cũng là tiếp nối các Chỉ thị NHNN đã và đang thực hiện, trong đó Nghị định 24 có các quy định về quyền lợi người dân nắm giữ vàng miếng cũng được tuân thủ.

Nhóm PV Báo Điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,326

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079