Danh sách nhân sự cấp cao nhiệm kỳ 2016-2021

27/07/2016 07:59 AM

Tính đến ngày 26/7, Quốc hội khóa XIV đã bầu, phê chuẩn các chức danh nhà nước cấp cao: Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy Ban Thường vụ Quốc hội... nhiệm kỳ 2016-2021.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức.

CHỦ TỊCH NƯỚC

Ngày 25/7, Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình  nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ mới.

Theo đó, ông Trần Đại Quang - người được bầu giữ chức Chủ tịch nước vào ngày 2/4/2016 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, thay cho người tiền nhiệm là ông Trương Tấn Sang - tiếp tục là nhân sự được giới thiệu để bầu chức danh Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021.

Kết quả kiểm phiếu do ông Bùi Văn Cường - Trưởng Ban kiểm phiếu công bố cho thấy, có 485/487 đại biểu bỏ phiếu đồng ý (chiếm 98,18% tổng số đại biểu Quốc hội) bầu ông Trần Đại Quang tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.

Các đại biểu Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam với tỉ lệ 484/486 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Ngày 26/7, với đa số phiếu tán thành (98,18%), Quốc hội đã nhất trí bầu Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021. Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi được bầu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện nghi thức tuyên thệ nhậm chức trước quốc kỳ, Quốc hội và nhân dân, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp 2013.

Thực hiện nghi thức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực công tác tốt để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Chủ tịch Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức. 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VÀ CÁC PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI KHÓA XIV

Sáng 22/7, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Khóa XIII Nguyễn Thị Kim Ngân, tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội Khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với số phiếu tán thành là 483/490 phiếu, bằng 97,77%.

Quốc hội cũng đã bầu các chức danh Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV với kết quả như sau:

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khoá XIII Tòng Thị Phóng được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội khoá XIV. Với 482/490 phiếu hợp lệ tán thành, tương đương 97,57%.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khoá XIII Uông Chu Lưu được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội khoá XIV với 478/489 phiếu hợp lệ tán thành, tương đương 96,76%.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá XIII Phùng Quốc Hiển được bầu giữ chức Phó chủ tịch Quốc hội khoá XIV với 480/490 phiếu hợp lệ tán thành, tương đương 97,17%.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Đảng đoàn Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khoá XIII Đỗ Bá Tỵ được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch Quốc hội khoá XIV với 484/490 phiếu hợp lệ tán thành, tương đương 97,98%.

ỦY VIÊN ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI KHÓA XIV

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thúy Anh với số phiếu hợp lệ tán thành là 461/490, tương đương 93,32%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Phan Thanh Bình với số phiếu hợp lệ tán thành 475/490, tương đương 96,15%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khóa XIII Hà Ngọc Chiến với số phiếu hợp lệ tán thành 487/490, tương đương 98,58%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XIII Phan Xuân Dũng với số phiếu hợp lệ tán thành 479/490, tương đương 96,96%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định, với số phiếu hợp lệ tán thành 463/490, tương đương 93,72%

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIII Nguyễn Văn Giàu với số phiếu hợp lệ tán thành 473/490, tương đương 95,75%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội khóa XIII Nguyễn Đức Hải với số phiếu hợp lệ tán thành 479/490, tương đương 96,96%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIII Nguyễn Thanh Hải với số phiếu hợp lệ tán thành 395/490, tương đương 79,69%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIII Lê Thị Nga với số phiếu hợp lệ tán thành 452/489, tương đương 91,50%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khóa XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc với số phiếu hợp lệ tán thành 473/489, tương đương 95,75%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh dự kiến Vũ Hồng Thanh giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV với số phiếu hợp lệ tán thành 353/487, tương đương 71,41%.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác Đại biểu của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy với số phiếu hợp lệ tán thành 484/490, tương đương 97,98%.

Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa XIII Võ Trọng Việt với số phiếu hợp lệ tán thành 484/490, tương đương 97,98%.

Lãnh đạo Quốc hội với Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, CHỦ NHIỆM CÁC ỦY BAN CỦA QUỐC HỘI, TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC

Chiều 22/7, Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước và thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước. Kết quả như sau:

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Hà Ngọc Chiến được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Khóa XIV với số phiếu tán thành là 481 trên tổng số 487 phiếu hợp lệ, chiếm 97,37% tổng số đại biểu Quốc hội.

Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khoá XIII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Võ Trọng Việt được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khoá XIV với số phiếu tán thành là 478 trên 486 số phiếu hợp lệ, chiếm 96,76% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Nguyễn Khắc Định được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV với số phiếu tán thành là 468/487 số phiếu hợp lệ, chiếm 94,74% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Khóa XIII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Nguyễn Thúy Anh được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIVvới số phiếu tán thành là 459 trên 487 số phiếu hợp lệ, chiếm 92,91% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Phan Thanh Bình được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khoá XIV với số phiếu tán thành là 477 trên 487 số phiếu hợp lệ, chiếm 96,56% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá XIII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Phan Xuân Dũng được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khoá XIV với số phiếu tán thành là 477 trên 486 số phiếu hợp lệ, chiếm 96,56% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khoá XIII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Nguyễn Văn Giàu được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khóa XIV với số phiếu tán thành là 469 trên 487 số phiếu hợp lệ, chiếm 94,94% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khoá XIII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Nguyễn Đức Hải được bầu giữ chức vụChủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội khoá XIVvới số phiếu tán thành là 480 trên 487 số phiếu hợp lệ chiếm 97,17% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khoá XIII, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Lê Thị Nga được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khoá XIV với số phiếu tán thành là 452 trên 487 số phiếu hợp lệ, chiếm 91,50% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV Vũ Hồng Thanh được bầu giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XIV với số phiếu tán thành là 376 trên 483 số phiếu hợp lệ, chiếm 76,11% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội khoá XIII, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc được bầu giữ chức vụ Tổng Thư ký Quốc hội khoá XIV với số phiếu tán thành là 465 trên 486 số phiếu hợp lệ, chiếm 94,13% tổng số đại biểu Quốc hội.

Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán nhà nước khóa XIII Hồ Đức Phớc được bầu tái cử làm Tổng kiểm toán nhà nước với số phiếu tán thành là 459 trên 487 số phiếu hợp lệ, chiếm 92,91% tổng số đại biểu Quốc hội.

CÁC PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG DÂN TỘC, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VÀ CÁC ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC

Sáng 25/7, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Thường trực.

Báo cáo kết quả nhân sự Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban, Ủy viên Thường trực do Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy nêu rõ: Căn cứ vào tình hình thực tế công tác nhân sự đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV đã được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã xem xét, cân nhắc và phê chuẩn điều kiện từng nhân sự cụ thể.

Trước mắt phê chuẩn 34 Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và 45 Ủy viên thường trực đối với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Đối với Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc chưa đủ số Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực so với số lượng đã được phê duyệt, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, trong quá trình hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét kiện toàn khi có cán bộ đủ tiêu chuẩn và điều kiện. Cụ thể như sau:

1. Hội đồng Dân tộc

Hội đồng dân tộc sẽ có số Phó Chủ tịch không quá 4 người, số Ủy viên thường trực không quá 4 người, số Ủy viên khác là 38 người. Theo đó:

Ông Giàng A Chu- Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Lâm Thành - Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, bà Cao Thị Xuân- Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc.

Ông Lưu Văn Đức- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, bà Đinh Thị Phương Lan- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi giữ chức vụ Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc; và 38 Ủy viên khác.

2. Ủy ban Pháp luật

Ủy ban Pháp Luật sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 5 người, số Ủy viên thường trực không quá 8 người, số Ủy viên khác là 30 người. Theo đó:

Bà Trần Thị Dung- đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, ông Phạm Trí Thức- Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa- ông Hoàng Thanh Tùng- Đại biểu Quốc hội tỉnh  Sóc Trăng- giữu chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật.

 Ông Nguyễn Trường Giang- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, ông Trần Hồng Hà- Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Hiển- đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, ông Ngô Văn Minh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, bà Trần Hồng Nguyên- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, bà Nguyễn Thị Mai Phương- Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Ngô Trung Thành- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, Bùi Văn Xuyền- Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình- giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp Luật và 30 Ủy viên khác.

3. Ủy ban Tư Pháp

Ủy ban Tư pháp sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 5 người, số Ủy viên thường trực không quá 5 người, số Ủy viên khác là 31 người. Theo đó:

Ông Nguyễn Mạnh Cường- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, ông Nguyễn Công Hồng- Đại biểu Quốc hội tỉnh  Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Luật- Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Văn Pha- Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp.

Ông Đỗ Đức Hồng Hà- Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, bà Mai Thị Phương Hoa- Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, bà Nguyễn Thị Thủy- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp và 31 Ủy viên khác.

4. Ủy ban Kinh tế

Ủy ban Kinh tế sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 4 người, số Ủy viên thường trực không quá 5 người, số Ủy viên khác là 33 người. Theo đó:

Ông Dương Quốc Anh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Đức Kiên- Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng, ông Nguyễn Minh Sơn- Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Hữu Đức- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, ông Phùng Văn Hùng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, bà Đoàn Thanh Mai- Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên, ông Đỗ Văn Sinh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế và 33 Ủy viên khác.

5. Ủy ban Tài chính- Ngân sách

Ủy ban Tài chính- Ngân sách sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 4 người, số Ủy viên thường trực không quá 5 người, số Ủy viên khác là 35 người. Theo đó:

Ông Bùi Đặng Dũng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang, ông Đinh Văn Nhã- Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Hữu Quang- Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Hữu Toàn- Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban  Tài chính- Ngân sách .

Bà Nguyễn Vân Chi- Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, ông Trần Quang Chiểu- Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, ông Hoàng Quang Hàm- Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái, bà Vũ Thị Lưu Mai- Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, ông Lê Thanh Vân- Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và 35 Ủy viên khác.

6. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 4 người, số Ủy viên thường trực không quá 5 người, số Ủy viên khác là 34 người. Theo đó:

Bà Hoàng Thị Hoa- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang,  bà Ngô Thị Minh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, ông Phạm Tất Thắng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long, ông Nguyễn Văn Tuyết- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban  Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng.

Ông Tạ Văn Hạ- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, bà Nguyễn Thị Mai Hoa-Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, ông Triệu Thế Hùng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Quốc Hưng- Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, ông Phan Viết Lượng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và 34 Ủy viên khác.

7. Ủy ban Về các vấn đề xã hội

 Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 5 người, số Ủy viên thường trực không quá 5 người, số Ủy viên khác là 41 người. Theo đó:

Ông Bùi Sỹ Lợi- Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Hoàng Mai- Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, bà Lê Thị Nguyệt- Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đặng Thuần Phong- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội.

Ông Bùi Ngọc Chương- Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Phước Lộc- Đại biểu Quốc hội tỉnh TP Hồ Chí Minh, ông Lưu Bình Nhưỡng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, bà Nguyễn Thị Kim Thúy- Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, bà Lê Thị Yến- Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội  và 41 Ủy viên khác.

8. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 5 người, số Ủy viên thường trực không quá 4 người, số Ủy viên khác là 32 người. Theo đó:

Ông Nguyễn Vinh Hà- Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, ông Trương Minh Hoàng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, Trần Văn Minh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh, ông Phùng Đức Tiến- Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam, ông Lê Hồng Tịnh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

Ông Nguyễn Tuấn Anh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An), ông Nguyễn Văn Cảnh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, bà Trần Thị Quốc Khánh- Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và 32 Ủy viên khác.

9. Ủy ban Đối ngoại

Ủy ban Đối ngoại sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 4 người, số Ủy viên thường trực không quá 4 người, số Ủy viên khác là 27 người. Theo đó:

Ông Nguyễn Sỹ Cương- Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, ông Vũ Hải Hà- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Ngô Đức Mạnh- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, ông Nguyễn Mạnh Tiến- Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.

Bà Lê Thu Hà- Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, ông Đinh Công Sỹ- Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, ông Lê Anh Tuấn- Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, ông Nguyễn Phương Tuấn- Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại và 27 Ủy viên khác.

10. Ủy ban Quốc phòng và An ninh

Ủy ban Quốc phòng và An ninh sẽ có số Phó Chủ nhiệm không quá 3 người, số Ủy viên thường trực không quá 5 người, số Ủy viên khác là 33 người. Theo đó:

Ông Nguyễn Mai Bộ- Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, ông Nguyễn Minh Đức- Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thanh Hồng- Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Đặng Ngọc Nghĩa- Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Đỗ Quang Thành- Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng giữ chức vụ Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và 33 Ủy viên khác.

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,908

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079