Thiếu chế tài mạnh xử lý doanh nghiệp trốn đóng BHXH

30/11/2011 16:54 PM

(Đất Việt) Có một thực tế là nhiều người lao động không biết mình bị chiếm đoạt tiền bảo hiểm xã hội vì hằng tháng doanh nghiệp vẫn trừ tiền lương của họ, nhưng có đóng hay không thì chỉ có doanh nghiệp và cơ quan bảo hiểm xã hội mới biết.



“Từ trước đến nay, hàng tháng xem bảng lương vẫn thấy công ty trừ tiền, tưởng được tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) đầy đủ. Ngờ đâu công ty không đóng cho mình”, chị N.T.V, công nhân (CN) Công ty TNHH I.Womo, bức xúc.

Cần công khai

Tương tự, nhiều CN của Công ty TNHH Dea Yun Vina (KCX Linh Trung, TP.HCM) cho biết khi đọc báo mới biết công ty nợ BHXH mấy tỷ đồng, chứ trước nay vẫn nghĩ được tham gia BHXH đầy đủ. Còn hàng trăm CN của Công ty TNHH Vina Heang Woon Industry (Q.8), Công ty TNHH Đồ chơi quốc tế Lucky (Q.Bình Tân) khi chủ DN bỏ trốn và các cơ quan chức năng đến làm việc, công bố các số liệu mới biết họ trốn đóng hàng tỷ đồng BHXH.

Anh Trần Tuấn Minh, CN Công ty Freetrend (KCX LinhTrung) kiến nghị: “Nếu ngành BHXH công khai những thông tin về thời gian, tiền lương DN đóng BHXH cho người lao động (NLĐ) trên mạng, thì ở bất cứ chỗ nào họ cũng có thể kiểm tra được. Nếu không được tham gia đầy đủ, CN sẽ khiếu nại, khiếu kiện DN, thậm chí đình công để đòi quyền lợi. Như thế, sẽ hạn chế được việc trốn đóng BHXH”. Thế nhưng, trao đổi kiến nghị này với lãnh đạo một số BHXH tỉnh, thành phố thì chúng tôi nhận được trả lời chung rằng: Việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành còn nhiều hạn chế, chưa thể thực hiện ngay được.

Trong khi công nhân tưởng doanh nghiệp trừ lương để đóng BHXH, thì nhiều doanh nghiệp "quỵt" số tiền này. 


Ngang nhiên thách thức

Phân tích nguyên nhân vì sao tình trạng trốn đóng BHXH ngày càng “nở rộ”, một chủ DN thẳng thắn: “Chế tài đối với đơn vị không hoặc chậm đóng BHXH quá nhẹ. DN vi phạm chỉ bị phạt tối đa 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, mức lãi do chậm đóng BHXH hiện nay chỉ là 10,5%, chưa bằng 50% lãi suất của ngân hàng. Làm bài toán  đơn giản sẽ thấy chiếm dụng BHXH lợi hơn đi vay rất nhiều”. Một lãnh đạo BHXH Việt Nam cũng thừa nhận một cách chua chát: “Chế tài quá nhẹ như thế, tôi mà làm DN cũng trốn đóng BHXH”.

Cùng với đó, các chế tài về hành chính cũng thực sự không có hiệu quả khiến nhiều DN “lờn mặt”. Theo quy định hiện hành, DN trốn đóng BHXH thì thanh tra lao động có quyền rút giấy phép tạm thời hay vĩnh viễn. “Thế nhưng, trong Luật DN lại không có điều nào quy định DN sẽ bị đình chỉ hoạt động vì lý do trốn đóng BHXH. Mặt khác, vì lý do “tế nhị”, nếu đóng cửa DN thì việc giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm, thậm chí hàng ngàn, hàng chục ngàn LĐ sẽ thế nào. Chính những vướng mắc đó khiến chúng tôi dù muốn đóng cửa DN cũng đành bó tay. DN biết vậy nên cứ phớt lờ, ngang nghiên vi phạm”, một thanh tra viên Thanh tra Lao động Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nói.

Điều này được minh chứng rõ nhất trong vụ việc Công ty HM Vina (Q.Tân Phú, TP.HCM). Trong suốt 7 năm hoạt động, công ty này không chịu đóng BHXH cho hơn 130 CN, số tiền khoảng 4 tỷ đồng. 2 năm trước, khi bị báo chí phanh phui, cơ quan chức năng kiểm tra rồi phạt công ty này 86 triệu đồng và yêu cầu phải truy đóng ngay số tiền BHXH đã chiếm đoạt trên. Thế nhưng, phớt lờ tất cả, công ty này chỉ nộp vài chục triệu đồng cho BHXH rồi thôi, và cũng chẳng thèm đóng 86 triệu đồng xử phạt trên. Còn các cơ quan chức năng của TP.HCM đã tốn rất nhiều thời gian họp tìm biện pháp xử lý, nhưng đến nay cũng đành “bó tay” nhìn Công ty HM Vina ngang nhiên thách thức pháp luật.

Dấu hiệu chiếm đoạt tài sản

Cho đến nay, tất cả các vụ chiếm đoạt tiền BHXH nói trên vẫn được gọi tên và xử lý theo một từ tương đối mềm mỏng: “Nợ BHXH”. Luật gia Lê Trúc Phương, Hội Luật gia TP.HCM, nhận xét: “Gọi là nợ BHXH là không đúng bản chất của hành vi. Bởi nếu là nợ thì phải có người cho vay, mượn và thời gian trả. Nhưng thực tế, cả NLĐ lẫn cơ quan BHXH đều không cho DN vay, mượn. Và vì coi là “nợ” nên phải xử lý theo thủ tục pháp luật dân sự. Có nghĩa là khi có “nợ” thì phải kiện đòi và dù có thắng kiện, nhưng “con nợ” không có tài sản để trả thì “chủ nợ” cũng đành phải chịu, trong khi NLĐ thiệt thòi”.

Đồng tình quan điểm này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, bổ sung: “Hành vi trên có dấu hiệu công nhiên chiếm đoạt tài sản một cách có tổ chức và lỗi cố ý”. Luật sư Hậu phân tích, việc vi phạm pháp luật thể hiện dưới 2 dạng, hành động mà phạm tội và không hành động mà phạm tội. Pháp luật trao quyền cho chủ DN trích trừ tiền lương của NLĐ và quy định nghĩa vụ nộp khoản tiền đó cho cơ quan BHXH. Việc không nộp BHXH sau khi đã trích trừ tiền lương của NLĐ là lỗi cố ý không hành động mà phạm tội. Vì thế việc trốn đóng BHXH đã đủ dấu hiệu cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và phải được xử lý hình sự”.



Thiên Trường

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,951

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079