Thông qua Luật Quản lý ngoại thương 2017

12/06/2017 16:54 PM

Với 88,19% số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Luật Quản lý ngoại thương 2017 đã được Quốc hội thông qua với 8 Chương 113 Điều quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương...

Quản lý ngoại thương

Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật Quản lý ngoại thương

Theo đó, Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện phải bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu.

Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trong quản lý ngoại thương, một số hành vi bị nghiêm cấm là, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cản trở hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, xâm phạm quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân. Áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục; Tiết lộ thông tin bảo mật của thương nhân trái pháp luật.

Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện mà không có giấy phép, không đáp ứng đủ điều kiện; hàng hóa không đi qua đúng cửa khẩu quy định; hàng hóa không làm thủ tục hải quan hoặc có gian lận về số lượng, khối lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có tem nhưng không dán tem.

Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mà vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Luật này. Gian lận, làm giả giấy tờ liên quan đến hoạt động quản lý ngoại thương.

Luật Quản lý ngoại thương sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Trong thời gian chuyển tiếp, các vụ việc phòng vệ thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, điều tra trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh Chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11.

N.Huyền

Theo Infonet

Chia sẻ bài viết lên facebook 6,490

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079