Chỉnh giờ làm, giáo viên Hà Nội dạy 10 tiếng/ngày?

07/12/2011 16:49 PM

- Khai mạc kỳ họp thứ 3 HĐND Hà Nội sáng nay (7/12), thành phố chính thức trình phương án điều chỉnh giờ để xin ý kiến đồng thuận từ các đại biểu.



Theo tờ trình mà Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Khôi sẽ trình bày tại kỳ họp cuối năm này, 10 quận nội thành và huyện Thanh Trì, Từ Liêm dự kiến bắt đầu thực hiện phương án này từ 1/1/2012. HĐND muốn bổ sung huyện Gia Lâm vào phạm vi triển khai.

HĐND TP Hà Nội sẽ họp đến 10/12.Ảnh: Phạm Hải

Theo dự kiến phân chia, sinh viên đại học, cao đẳng và học sinh cấp 3 học từ 6h30 đến sau 19h; học sinh mầm non, tiểu học, cấp 2 từ 7h30 đến 17h30; công chức, viên chức làm việc từ 8h đến 17h; các trung tâm thương mại, dịch vụ (trừ ngân hàng, tài chính) mở cửa từ 9h đến sau 19h; các cơ quan, đơn vị quân đội và công nhân các nhà máy, xí nghiệp giữ nguyên giờ làm việc.

Trong văn bản thẩm tra, HĐND TP đề nghị UBND cân nhắc phân biệt giờ mùa đông - mùa hè để đảm bảo sức khỏe cho học sinh PTTH, cũng như xem xét nếu học sinh mầm non, tiểu học, cấp 2 học từ 7h30 đến 17h30, thì giáo viên các cấp này sẽ phải làm việc 10 giờ/ngày, trái với Bộ luật Lao động.

UBND TP đề nghị sau khi có ý kiến thống nhất, phương án điều chỉnh giờ sẽ được đưa vào nghị quyết kinh tế - xã hội của kỳ họp để báo cáo Thủ tướng xem xét.

Xe buýt mới đáp ứng 12% nhu cầu

UBND TP nhấn mạnh song song với đổi giờ phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: lên đề án quản lý phương tiện, các điểm trông giữ ôtô, xe máy; giải tỏa lấn chiếm hè phố, lòng đường; tổ chức lại giao thông tại các nút ùn tắc; tiếp tục phân làn, tách dòng trên một số tuyến đường; cải tạo các nút giao thông, xây dựng cầu đường bộ; sửa chữa kịp thời mặt đường; kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông; thảo chính sách kiềm chế gia tăng phương tiện cá nhân, hạn chế phương tiện tại một số đường, phố...

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Sửu, các biện pháp trên đang bước đầu triển khai đã giúp giảm tai nạn giao thông, song lượng phương tiện cá nhân của thành phố tăng quá nhanh, trung bình 15%/năm, làm quá tải hệ thống hạ tầng, gây ùn tắc kéo dài... Trong khi tiến độ triển khai một số dự án giao thông quan trọng còn chậm, thì ý thức người dân trong tuân thủ luật giao thông chưa thực sự chuyển biến.

Theo báo cáo này, phương tiện vận tải công cộng mới đáp ứng được 12% nhu cầu đi lại của nhân dân với 573,6 triệu lượt hành khách sử dụng phương tiện này trong năm 2011.

2012: Tăng trưởng 10 - 10,5%

Cũng theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Văn Sửu, năm nay, tăng trưởng tổng sản phẩm của Hà Nội ước đạt 10,13%, tuy thấp hơn năm ngoái (11,04%) và chỉ tiêu kế hoạch (12%), nhưng cao hơn 1,67 lần của cả nước. Thành phố đặt chỉ tiêu tăng trưởng 10 - 10,5% trong năm 2012.

Mức tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng tháng của thành phố đang giảm, từ 3,28% tháng 4 còn 0,13% tháng 10, thấp hơn của TP.HCM (0,18%) và cả nước (0,36%).

Cùng cả nước thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư công, Hà Nội đã đình hoãn, giãn tiến độ, cắt giảm vốn của 252 dự án, công trình chưa thực sự cấp thiết với kinh phí cắt giảm trên 806 tỷ đồng; tiết kiệm chi thường xuyên và tạm dừng mua sắm tài sản được 368,3 tỷ đồng.

Thu ngân sách của thành phố ước đạt 123.610 tỷ đồng, chi 48.431 tỷ đồng.

Thành phố đã giải quyết việc làm cho 138.800 lao động và đặt mục tiêu năm con số này là 139.000.

Kỳ họp HĐND Hà Nội sẽ bế mạc ngày 10/12 sau 3 ngày rưỡi thảo luận các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách, điều chỉnh giá đất và giờ làm việc học tập..., trong đó có sáng ngày 9/12 dành cho chất vấn trực tiếp.

Chung Hoàng

Chia sẻ bài viết lên facebook 2,638

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079