Kỳ án hiếp dâm ở Hà Đông: Có chạy án?

26/12/2011 08:51 AM

Theo nguồn tin riêng của Báo Năng lượng Mới, đã hé lộ một đường dây chạy án trong vụ việc này, trong đó có tên tuổi của một số nhà báo.


Mới đây, bị hại trong vụ “kỳ án” hiếp dâm cách đây hơn 10 năm đã gửi đơn tới Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát với mong muốn được bảo vệ danh dự và nhân phẩm của mình. Khi dư luận xã hội thêm một lần nữa xôn xao về vụ việc này, một số phóng viên đã có những thông tin sai lệch khiến nữ bị hại hoang mang tinh thần, cảm thấy mình bị xúc phạm. Trong lá đơn này, nhiều chi tiết đã chạm tới “góc khuất” của vụ án. Phải chăng đã có sự “góp mặt” của một vài cá nhân làm báo trong đường dây chạy án cho các đối tượng liên quan?

Nữ bị hại bị “khủng bố tinh thần”?

Trong lá đơn viết tay, đề ngày 25/11/2010, chị N.T.H.H khẩn thiết viết ở đoạn cuối: “…Cháu là bị hại, bị cướp tài sản, bị hiếp, luật pháp bảo vệ cháu về quyền lợi người bị hại, danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, cho phép xử kín các vụ hiếp dâm phụ nữ cơ mà. Cháu thấy báo viết có tính đe dọa, khủng bố tinh thần cháu. Họ viết với mục đích gì cháu không biết.

Cháu tha thiết đề nghị ông Viện trưởng VKSNDTC, ông Chánh án TANDTC có ý kiến với báo chí xem đạo đức nghề nghiệp nhà báo, luật pháp báo chí có cho phép họ làm như vậy hay không? Họ làm như vậy là bôi nhọ danh dự cháu.

Cháu khẩn thiết cầu mong các ông có biện pháp bảo vệ quyền lợi, hạnh phúc của người bị hại như cháu, nhất là cháu đã có gia đình. Cháu xin chân thành cảm ơn các ông. Cháu xin gửi kèm bài báo đăng không đúng sự thật”.


Ba đối tượng gây án sẽ tiếp tục thụ án trong trại giam theo phán quyết của TANDTC.


Bắt nguồn của nỗi bức xúc và sự lo lắng hoang mang này chính là các bài báo đã được đăng tải trên một số tờ báo giấy và báo mạng vào đầu tháng 11 vừa qua. Nhưng nếu đọc từ đầu tới cuối nội dung đơn thư của nữ bị hại, người đọc sẽ dễ dàng nhận ra một số tình tiết, dấu hiệu khiến ai cũng không khỏi đặt nghi vấn về một đường dây chạy án, mà trong đó có sự góp mặt một vài phóng viên, nhà báo. Khoan hãy nói tới chuyện đúng – sai, thực – hư của từng nội dung bị hại viết trong đơn. Các cụ xưa đã có câu: “Không có lửa, làm sao có khói?”. Theo nguồn tin riêng của Báo Năng lượng Mới, đã hé lộ một đường dây chạy án trong vụ việc này, trong đó có tên tuổi của một số nhà báo.

Nhà báo gặp bị hại với tư cách nào?

Chị NTHH trình bày: “Khoảng tháng 8/2009, có chị H hỏi cháu về việc cũ và có giới thiệu là Công an Hà Nội gặp bố cháu xin phép cho hỏi lại cháu về sự việc năm 2000. Bố cháu và cháu không đồng ý vì sự việc đã được xét xử, thủ phạm đã đi tù, cháu không muốn gợi lại nỗi đau để sống cùng chồng con. Chị H nói với cháu là sếp phân công đi hỏi lại. Cháu nói sự việc đã được trình bày trước đây rồi, đến nay lâu quá không nhớ được. Chị H hỏi cháu về nhận diện tội phạm, cháu vẫn khẳng định là lần nhận diện ở cơ sở 2 (sau khi sự việc xảy ra hơn 1 tháng) là chính xác, lần đó là lần cháu nhận ra tên có tóc bổ ngôi giữa, tên này khi hiếp cháu đeo sợi dây chuyền màu trắng. Còn lần nhận diện ở nhà cháu buổi tối (sau khi sự việc xảy ra được hai tuần là không đúng). Chị H. ghi biên bản, không đọc lại bảo cháu ký để về báo cáo sếp. Cháu nghĩ không quan trọng nên không đọc lại và ký vào biên bản.

Đến khoảng gần giữa tháng 10/2010 vừa qua có một thanh niên đến nhà cháu, xưng là nhà báo, hỏi cháu là vì cháu khai với Công an mà ba thanh niên bị tù oan, có người bị HIV, chị nghĩ gì? Cháu có gọi điện cho chị gái cháu đến. Chị cháu bực mình nói với người xưng là nhà báo: “Các anh để cho em tôi yên, nó là bị hại, bị thiệt thòi nhiều, việc đó là của cơ quan pháp luật” và chị cháu đuổi nhà báo đó đi. Người đó ra về có đe dọa cháu “sẽ biết tay”.

Đến một buổi chiều cuối tháng 10/2010, có hai người đàn ông, một trẻ, một trung tuổi đến nhà cháu, cháu nhận ra người trẻ tuổi hôm trước đúng là người này. Người này có chỉ vào cháu và nói với người già hơn: “H đấy”. Cháu nghĩ bình thường. Đến ngày 1/11/2010 cháu thấy trên mạng(…) đưa bài: “Kỳ án huyệt trai trinh – Nữ nạn nhân lộ diện”, với nội dung không đúng sự thật, cho rằng cháu “vắng mặt trong tất cả các phiên tòa xét xử với tư cách bị can”. Cháu là bị hại, sao lại gọi cháu là bị can? Còn viết cháu trốn chạy, không ra làm chứng, chuyển nhà…”.

Lần nhận diện thứ hai có được công nhận?

Chị NTHH viết lại chi tiết sự việc: “Vụ án xảy ra đến nay đã 10 năm, khi đó cháu còn trẻ chưa có gia đình. Sự việc đêm 24/12/2000 cháu và anh NCH bị 3 thanh niên đến dùng dao gậy đe dọa, lấy tiền vàng của cháu và anh H rồi cả 3 tên hiếp dâm cháu. Ngay sau khi xảy ra sự việc, cháu đã nhặt được một chiếc áo phông kẻ ngang, nhiều màu (giống áo phông cá sấu Thái Lan) do một trong ba tên hiếp dâm cháu để lại. Cháu vào UBND xã Dương Nội trình báo với Ban Công an xã và nộp lại chiếc áo đó, viết một bản tường trình về sự việc xảy ra.

Sau đó khoảng 2 tuần, vào một buổi tối có hai anh Công an điều tra đến nhà cháu đưa cho cháu 4 bức ảnh màu của 4 người thanh niên, bảo cháu nhận diện xem có đối tượng nào giống 3 tên đã hiếp cháu không. Cháu nói với các anh Công an là cháu nhớ và ấn tượng nhất tên có tóc bổ ngôi giữa, cổ đeo một dây chuyền màu trắng. Có một tên mắt nhỏ, hình như là một mí. Khi các anh Công an đưa ra 4 bức ảnh, cháu nhìn thấy một thanh niên mắt một mí hơi giống một trong ba tên. Qua ánh đèn điện buổi tối, cháu ngờ ngợ giống nên có chỉ vào một tên và nói “Đây là một trong 3 tên hiếp cháu”. Các anh công an lập biên bản cho cháu ký và cả bố cháu ký làm chứng.

Khoảng 1 tháng sau, các anh Công an đến nhà cháu, mời cháu lên Công an cơ sở 2 để nhận diện tiếp. Cháu nói: Cháu nhớ lại hôm đó buổi tối nhận diện hình như không phải tên đó. Lần này các anh công an đưa 4 bức ảnh của 4 thanh niên khác. Cháu quan sát nhận ra ngay tên tóc bổ ngôi giữa là một trong 3 tên hiếp cháu. Lần này cháu đã bình tĩnh trở lại (vì sự việc xảy ra đã hơn 1 tháng). Cháu có nói với các anh công an là cháu rất nhớ tên này vì nó có tóc bổ ngôi giữa, khi hiếp cháu nó có sợi dây chuyền thõng xuống.

Sau này khi Tòa án tỉnh Hà Tây xét xử 3 tên thủ phạm cháu không dám ra phiên tòa vì xấu hổ, chỉ có bố đẻ cháu đến dự. Từ đó trở đi cháu coi như vụ án đã xong, kẻ phạm tội đã bị trừng trị. Trước pháp luật cháu không có đơn đề nghị gì. Bản thân cháu đã bị thiệt thòi nhiều về danh dự nhân phẩm, cố quên đi để sống và xây dựng gia đình. Đến nay cháu đã có gia đình và hai con, sống bình thường, nhưng từ năm ngoái báo chí và mạng đưa tin ầm ĩ về việc 3 thanh niên bị oan và được tha về, cháu không hiểu tại sao?”.

Quả thực, khi vụ án thêm một lần được lật lại để xét xử phiên giám đốc thẩm, báo chí thêm một lần khai thác về vụ án một cách triệt để, cũng khiến những thông tin liên quan thêm phức tạp. Nhưng cách khai thác và đăng tải thông tin trên báo chí gây áp lực tâm lý cho bị hại của vụ án thì chẳng báo nào có chủ trương như vậy. Và hẳn là cá nhân mỗi phóng viên, nhà báo làm việc theo đúng chức năng và đạo đức nghề nghiệp cũng sẽ không có cung cách lấy thông tin và đưa tin bài thiếu xác thực, gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người bị hại trong mỗi vụ án.

(Theo Petrotimes)

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,720

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079