Kỳ án hiếp dâm: Đình Tình có được miễn tù?

04/01/2012 17:28 PM

Luật sư Phạm Thanh Bình cho rằng Nguyễn Đình Tình không phải đi tù vì nhiễm HIV là chưa đúng.

Kỳ án hiếp dâm: Đình Tình có được miễn tù?

Nguyễn Đình Tình cưới vợ vào tháng 3-2011.

Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty luật Hồng Hà - Hà Nội) đã gửi bài viết bày tỏ sự không đồng tình với quan điểm của luật sư Trần Đình Triển, trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân) khi chia sẻ trên báo về trường hợp của Nguyễn Đình Tình - một trong 3 tội phạm gây ra vụ hiếp dâm một cô gái cách đây khoảng 10 năm về trước.

Nguyên văn bài viết:

Gần đây, trên một tờ báo điện tử có đăng bài viết “Kỳ án hiếp dâm: Tình nghiễm nhiên không phải đi tù”, trong đó có trích dẫn ý kiến của luật sư Trần Đình Triển với nội dung: “…trường hợp của Nguyễn Đình Tình, căn cứ điểm c khoản 2 điều 10 của Luật Đặc xá ngày 21-11-2007, có hiệu lực từ 1-3-2008, khoản 1, Điều 57, Chương VIII, Bộ luật Hình sự thì Tình không phải đi tù lại vì anh ta mắc bệnh HIV – một căn bệnh hiểm nghèo hiện chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu. Điều ấy đồng nghĩa với việc Tình sẽ mang căn bệnh này hết cuộc đời và hiển nhiên anh ta cũng không phải đi tù”.

Sau khi đọc bài viết, chúng tôi không đồng tình với nhận định của luật sư Trần Đình Triển. Việc LS Triển trích dẫn quy định của pháp luật để áp dụng đối với trường hợp của bị án Nguyễn Đình Tình là không chính xác.

Thứ nhất, đến thời điểm hiện tại, bị án Nguyễn Đình Tình không được miễn hình phạt tù theo quy định của Luật Đặc xá.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá thì “Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt”.

Những sự kiện trọng đại để Chủ tịch nước quyết định đặc xá có thể trong lĩnh vực về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có ý nghĩa lớn về đối nội, đối ngoại như ngày lễ Quốc khánh 2-9 hoặc các ngày lễ khác gắn với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước.

Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đang chấp hành hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Luật này.

Theo yêu cầu của Chủ tịch nước hoặc theo đề nghị của Chính phủ về đặc xá được Chủ tịch nước chấp nhận, Chính phủ chủ trì phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức có liên quan lập hồ sơ của người được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.

Điểm c khoản 2 Điều 10 của Luật Đặc xá cũng quy định “Người bị kết án phạt tù có thời hạn… đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành hình phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này khi thuộc một trong các trường hợp:… là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc ốm đau thường xuyên, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền”.

Theo quy định này, việc Nguyễn Đình Tình là người đang mắc bệnh hiểm nghèo chỉ là tình tiết để xem xét điều kiện được đề nghị đặc xá chứ không phải là căn cứ để Nguyễn Đình Tình “không phải đi tù lại” như nhận định của Luật sư Triển.

Trường hợp sau khi xem xét cho thấy Tình đạt đủ điều kiện được đề nghị đặc xá thì việc đặc xá cũng phải diễn ra theo trình tự quy định và chỉ được coi là hoàn tất khi hồ sơ đề nghị được đặc xá được Chủ tịch nước phê duyệt.

Hiện nay, Nguyễn Đình Tình đang được tạm đình chỉ thi hành án phạt tù theo quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của viện trưởng VKSND tối cao nên không phải là đối tượng được đặc xá. Mặt khác, trong thời điểm này, Chủ tịch nước không có quyết định đặc xá. Vì vậy, Nguyễn Đình Tình không thể hiển nhiên được hưởng chính sách đặc xá ở thời điểm hiện tại.

Thứ hai, bị án Nguyễn Đình Tình cũng không thuộc trường hợp được miễn chấp hành hình phạt tù theo khoản 1 Điều 57 BLHS.

Ngoài việc viện dẫn Luật đặc xá, LS Triển còn viện dẫn thêm quy định tại khoản 1, Điều 57, Bộ luật Hình sự để chứng minh cho nhận định “Tình không phải đi tù lại”. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc viện dẫn căn cứ này cũng không phù hợp với trường hợp cụ thể của Nguyễn Đình Tình.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 57 BLHS thì “Đối với người bị kết án cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, chưa chấp hành hình phạt mà lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và nếu người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt”.

Như vậy, theo quy định này thì người bị mắc bệnh hiểm nghèo chỉ được Tòa án xem xét cho miễn chấp hành toàn bộ hình phạt khi đáp ứng được các điều kiện: đã bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn; chưa chấp hành hình phạt; không còn nguy hiểm cho xã hội; và được Viện trưởng Viện kiểm sát có văn bản đề nghị Tòa án miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho họ.

Tại mục 2 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng thầm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt cũng hướng dẫn: ““Mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, khó có phương thức chữa trị”. Do đó, trong trường hợp của bị án Nguyễn Đình Tình dù hiện nay Tình đang mắc bệnh HIV, nhưng để xác định Tình là người mắc bệnh hiểm nghèo thì phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh.

Tuy vậy, dù cho Tình được xác định là đang mắc bệnh hiểm nghèo thì cũng không thuộc đối tượng được miễn chấp hành hình phạt bởi vì Nguyễn Đình Tình đã chấp hành hình phạt, hiện đang được tạm dừng thi hành án, không thuộc trường hợp “chưa chấp hành hình phạt” theo quy định tại Điều 57 BLHS vừa viện dẫn.

Mặt khác, tại thời điểm chưa chấp hành án cũng như cho đến thời điểm này, Viện trưởng Viện kiểm sát cũng chưa có bất kỳ văn bản nào của đề nghị cho Tình được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt tù trên cơ sở xem xét tính nguy hiểm cho xã hội của bị án Tình là không còn nữa.

Trường hợp của Tình, theo chúng tôi chỉ có thể áp dụng quy định tại đoạn cuối khoản 1, Điều 58 và Điều 59 Bộ luật hình sự để “giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt”.

Như vậy, theo quy định của Luật Đặc xá và Bộ luật hình sự, việc bị án Nguyễn Đình Tình bị mắc HIV không thuộc trường hợp được miễn chấp hành hình phạt tù và không thể coi là “hiển nhiên anh ta cũng không phải đi tù” như nhận định của Luật sư Triển.

Thạc sĩ, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà - Hà Nội)

Theo Người Đưa Tin

Chia sẻ bài viết lên facebook 3,383

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079