Thế nào là rửa tiền?

05/01/2012 09:31 AM

Theo Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an: Rửa tiền là tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế.


Ngày 7/2/2012, Thông tư Liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC, hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội rửa tiền chính thức có hiệu lực. Nhân dịp này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an về những điểm mới trong Thông tư liên tịch nêu trên.

1. Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

Thưa Thiếu tướng, đồng chí có thể giải thích rõ những tài sản nào được coi là tài sản do người khác phạm tội mà có?

- Theo Thông tư Liên tịch số 09 do liên ngành: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao vừa ký ban hành, thì: “Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua). Tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.

Điều 250 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, vậy, khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 250 Bộ luật Hình sự cần chú ý điểm gì?

- Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: Có từ 5 lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích. Người phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm nguồn sống chính. Trường hợp trong các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là: “Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”. Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch cũng nêu rõ cụ thể về “Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn”, “Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn” và “Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn” cũng như về “Thu lợi bất chính lớn”; “Thu lợi bất chính rất lớn” và “Thu lợi bất chính đặc biệt lớn” được quy định bằng những số tiền cụ thể...

Trong Thông tư liên tịch nêu trên, có điểm gì cần chú ý?

- Về mặt chủ quan của tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội phải biết rõ tài sản mà mình chứa chấp hoặc tiêu thụ là tài sản do phạm tội mà có nhưng không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với người có tài sản do phạm tội mà có. Trường hợp tài sản do phạm tội mà có là ma túy, tiền chất ma túy, pháo nổ, thuốc pháo, vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật quân sự, vật liệu nổ, chất phóng xạ, chất cháy, chất độc, hàng cấm, hàng giả, nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm tương ứng thì người thực hiện hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản đó sẽ bị xử lý về tội phạm tương ứng mà không xử lý về tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

2. Về tội rửa tiền

Tội rửa tiền được quy định thế nào, thưa Thiếu tướng?

- Về tội rửa tiền (Điều 251 Bộ luật Hình sự), Thông tư hướng dẫn đã nêu rõ: Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền, tài sản nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản là việc thực hiện, hỗ trợ thực hiện hoặc thông qua người khác để thực hiện, hỗ trợ.

Những hành vi nào được coi là nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản?

- Đó là các hành vi gửi tiền và mở tài khoản tại ngân hàng. Cầm cố, thế chấp tài sản. Cho vay, ủy thác, thuê, mua tài chính. Chuyển tiền, đổi tiền. Mua, bán cổ phiếu, trái phiếu và các giấy tờ có giá khác. Phát hành chứng khoán. Phát hành các phương tiện thanh toán. Bảo lãnh và cam kết tài chính, kinh doanh ngoại hối, các công cụ thị trường tiền tệ, chứng khoán có thể chuyển nhượng. Quản lý danh mục đầu tư của cá nhân, tập thể. Quản lý tiền mặt hoặc chứng khoán thanh khoản thay mặt cho cá nhân, tập thể. Đầu tư vốn hoặc tiền cho cá nhân, tập thể. Tiến hành các hoạt động bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm liên quan đến các khoản đầu tư khác. Những hoạt động nhằm tạo sự chuyển đổi, chuyển dịch hoặc thay đổi quyền sở hữu đối với tiền, tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

Sử dụng tiền thế nào được coi là rửa tiền?

- Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác là việc dùng tiền, tài sản đó vào các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, thành lập công ty, xây dựng trường học, bệnh viện, mua tài sản dưới các hình thức khác nhau hoặc sử dụng dưới danh nghĩa tài trợ, từ thiện, viện trợ nhân đạo.

Khi áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự cần chú ý những điểm gì?

- Những điểm cần chú ý gồm: Chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi có đủ các điều kiện sau: có từ 5 lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội rửa tiền, không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích. Người phạm tội không có nghề nghiệp hoặc lấy tài sản thu nhập bất chính do phạm tội mà có làm nguồn sống chính. Trường hợp trong các lần phạm tội nếu có lần phạm tội đã bị kết án mà chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể để xác định người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là: “Phạm tội nhiều lần”, “tái phạm” (hoặc “tái phạm nguy hiểm”) và “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”...

Ngoài những điểm nêu trên, Thông tư liên tịch còn có các điểm gì cần chú ý khi thực hiện?

- Trong Thông tư Liên tịch số 09 đã nêu trên cần chú ý đến các quy định chuyển tiếp, gồm: các hướng dẫn trong Thông tư này nếu làm giảm nhẹ trách nhiệm hình sự so với trước đây thì được áp dụng khi điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với người thực hiện hành vi phạm tội trước khi Thông tư này có hiệu lực.

Trường hợp người phạm tội đã bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật thì không áp dụng các hướng dẫn trong Thông tư này để kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ trường hợp có những căn cứ kháng nghị khác. Nếu theo Thông tư này, họ không phải chịu trách nhiệm hình sự thì giải quyết theo thủ tục miễn chấp hành hình phạt...

Xin cảm ơn Thiếu tướng!

A. Hiếu (thực hiện)

Chia sẻ bài viết lên facebook 4,266

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079