Tự do thông tin tại Việt Nam gắn với bảo vệ quyền lợi công dân

03/05/2018 10:10 AM

Ở Việt Nam, mọi công dân đều bình đẳng và tự do trong việc tiếp cận thông tin – Điều này được ghi nhận trong Luật tiếp cận thông tin 2016 (bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2018).

Từ những thông tin liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế của người dân, như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giá đất; thu hồi đất; phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư liên quan đến dự án, công trình trên địa bàn cho đến những thông tin mang tính vĩ mô, như chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch ngành, lĩnh vực và phương thức, kết quả thực hiện; chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của cơ quan nhà nước… thì công dân đều được tự do tiếp cận.

Mọi hành vi cản trở, đe dọa quyền tự do tiếp cận thông tin của người dân đều bị pháp luật nghiêm trị (tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự).

Nhưng chỉ dừng lại ở việc tiếp cận thông tin của công dân như trên là chưa đủ, báo chí với sứ mệnh của mình kèm với “đòn bẩy pháp lý” vững chắc – Luật tiếp cận thông tin 2016 có thể tiếp cận, thu thập thông tin, phân tích, bình luận, đánh giá và đưa tin một cách dễ hiểu nhất để người dân biết và bảo vệ quyền lợi của mình.

Ví dụ: Nếu người dân tiếp cận thông tin giá đất bồi thường sau khi thu hồi để làm Sân bay là 200.000 – 500.000 đồng/m2 thì thông tin chỉ đơn thuần là thông tin. Nhưng báo chí, cơ quan chức năng vào cuộc phân tích và đưa tin đến với công chúng khi nào thì được bồi thường 200.000 đồng/m2 khi nào là 500.000 đồng/m2, giá như vậy có phù hợp hay chưa, ở địa phương khác như thế nào, có đảm bảo được quyền lợi của người dân hay chưa… có như vậy sự tự do tiếp cận thông tin mới gắn liền với minh bạch thông tin và đảm bảo quyền lợi của Nhân dân.

Điều 4. Chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí - Luật Báo chí 2016

2. Báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;

b) Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;

c) Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;

d) Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;

đ) Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

e) Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.

Để đảm bảo sự bình đẳng, tự do tiếp cận thông tin của mọi công dân nhưng không gây hại đến quyền lợi của công dân khác và đất nước thì một số thông tin nghiêm cấm người dân tiếp cận hoặc tiếp cận có điều kiện. Bao gồm:

- Thông tin thuộc bí mật nhà nước, bao gồm những thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác theo quy định của luật.

- Thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; thông tin về cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.

- Thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh được tiếp cận trong trường hợp chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý.

- Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp được người đó đồng ý; thông tin liên quan đến bí mật gia đình được tiếp cận trong trường hợp được các thành viên gia đình đồng ý.

Đồng thời, như đã trình bày ở trên, báo chí, cơ quan chức năng có quyền phân tích, bình luận, đánh giá thông tin mình thu thập được để phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, sự phân tích, bình luận, đánh giá phải đúng sự thật khách quan chứ không được sai lệch, không sử dụng thông tin có được nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Ví dụ: Cá nhân, tổ chức có quyền biết được thông tin sức khỏe của mình, người khác để có phương pháp chữa trị hiệu quả (nếu có bệnh); nhưng việc lợi dụng việc tự do tiếp cận thông tin để biết được người nào đó bị nhiễm HIV và thông tin công khai người đó bị nhiễm HIV một cách rộng rãi thì là vi phạm pháp luật.

Thanh Hữu

Chia sẻ bài viết lên facebook 9,999

Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: info@ThuVienPhapLuat.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty cổ phần LawSoft. Giấy phép số: 32/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 15/05/2019 Địa chỉ: Tầng 3, Tòa nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079